Đó là thông tin được ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết trong cuộc họp “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” vừa được Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây. Tuy nhiên, lực lượng QLTT chỉ có thể tước 37 giấy phép kinh doanh, trong khi gian lận thương mại xăng dầu được đánh giá tương đối phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Nhiều ngành quản lý, lỗ vẫn hổng?
Vụ việc đại gia Trịnh Sướng (50 tuổi, Chủ tịch HĐTV, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng ở Sóc Trăng) cùng hàng chục đồng phạm bị Công an Đăk Nông khởi tố, bắt tạm giam về hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là xăng dầu, đã làm cho giới kinh doanh xăng dầu rúng động vì đại gia này là đầu mối cung cấp xăng dầu cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành. Câu hỏi đặt ra là quy trình kiểm soát thế nào mà mặt hàng đặc biệt này vẫn bị làm giả, qua mặt cơ quan chức năng?
Theo ông Trần Hữu Linh cho biết kết quả kiểm tra trên 20 tỉnh, thành trên cả nước, được tiến hành sau khi đường dây pha chế xăng giả quy mô lên tới hàng triệu lít xăng của DN Trịnh Sướng được triệt phá ở Đăk Nông, có tới 50% xăng A95, thậm chí là 100% xăng E5 tại một số địa phương được kiểm tra, kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo một số đại lý kinh doanh xăng dầu cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xăng dầu rởm, kém chất lượng vẫn được “tuồn” ra thị trường. Đó là, hiện nay việc mua bán các nguyên liệu để pha chế xăng dầu, dung môi, phụ gia và các chế phẩm có liên quan đến việc pha chế xăng dầu khá dễ dàng trên thị trường. Từ đó, các DN, thương nhân kinh doanh xăng dầu có thể dễ dàng mua về tự pha chế không theo quy định... để cho ra loại xăng dầu có chỉ số octan theo tiêu chuẩn là A95 hoặc A92. Chỉ đến khi đem kiểm nghiệm mới phát hiện được đâu là sản phẩm không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Có ít nhất 5 bộ ngành cùng quản lý, nhưng vẫn có một số lượng lớn xăng dầu giả bị “tuồn” ra thị trường chứng tỏ các cơ quan này chưa làm tròn trách nhiệm.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối xăng dầu hoặc một thương nhân đầu mối. Nếu tổng đại lý hoặc thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân đầu mối đó không kinh doanh nhiên liệu sinh học thì đại lý được ký thêm hợp đồng làm đại lý cho một pháp nhân khác để kinh doanh nhiên liệu sinh học. Việc kiểm soát nguồn cung thông qua hóa đơn xuất nhập. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề kiểm soát khối lượng xăng dầu theo hóa đơn đầu ra đầu vào đối với đại lý bán lẻ xăng dầu còn rất bất cập; đặc biệt là việc bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn vẫn còn tràn lan nên đơn vị kinh doanh xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường, xăng dầu giả để pha trộn với xăng dầu nhập chính thức từ nhà phân phối, tổng đại lý... khi bán ra thị trường.
Đáng nói, công tác thanh, kiểm tra; kiểm soát về chất lượng xăng dầu vẫn còn có vấn đề. Bởi lẽ hiện nay, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có có ít nhất 5 bộ ngành cùng quản lý. Thế nhưng việc để một số lượng lớn xăng dầu giả bị “tuồn” ra thị trường trong một thời gian dài như vụ Trịnh Sướng chứng tỏ các cơ quan này chưa làm tròn trách nhiệm.
Cần chế tài mạnh để siết chặt
Chưa thể khẳng định nhiều vụ cháy xe gần đây nguyên nhân là do chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, xăng dầu kém chất lượng phổ biến như ông Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nói là đáng báo động. Vì vậy, nếu không sớm chấn chỉnh lại hệ thống kinh doanh xăng dầu... thì rất khó bịt được lỗ hổng xăng dầu. Điều này không chỉ gây thất thu ngân sách, thị trường cạnh tranh không lành mạnh, mà còn có thể sinh ra nhiều hiểm họa cho người dân như cháy nổ, thậm chí nguy hiểm tính mạng, ảnh hưởng đến chất lượng không khí vốn đã khá căng thẳng tại nhiều đô thị trong thời gian qua.
Theo ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ Khoa học và công nghệ) cho biết, chúng ta có rất nhiều văn bản quy định trong lĩnh vực quản lý xăng dầu như: Nghị định 83/2014/NĐ-CP, ngoài ra còn có Nghị định 67/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu khí; Thông tư số 15/2015 yêu cầu sản phẩm xăng dầu phải được chứng nhận hợp quy, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn mới được phép lưu thông... Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình nhập khẩu, đưa lưu kho từ thương nhân phân phối đến đại lý, tổng đại lý... cơ quan quản lý phải có chế tài đủ mạnh để quản lý. Bởi xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế.
Cũng theo ông Tuấn, vì xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm nên người tiêu dùng cần lưu ý hơn khi lựa chọn sử dụng. Đồng thời, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra bằng cách khảo sát, giám sát, phát hiện đúng, kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm, truy tố trước pháp luật những vi phạm nghiêm trọng để có sức răn đe.
Từ thực tế đó, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, tháng 12/2019 này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định có liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu. Hy vọng những chính sách mới trên được kỳ vọng là công cụ đủ mạnh để răn đe và hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại về xăng dầu trong thời gian tới.