Đã có sự thay đổi về quan niệm
Trước đây người ta cho rằng chỉ có các tay chơi mới xăm, nhưng nay điều đó đã thay đổi, nhiều người bình thường, các chàng trai, cô gái hiền thục, các quý cô, quý bà xưa nay vốn rất hiền lành cũng đi xăm. Xã hội có những thay đổi về thẩm mỹ và quan niệm sống. Bạn có thể thấy điều đó khi đi trên đường, nơi đám đông, trong công sở, trường học…Ngoài các vị trí xăm để cho đẹp hơn như môi, lông mày, mi mắt thì người ta có thể xăm bất kỳ chỗ nào muốn. Thế nên, dịch vụ xăm phát triển hơn bao giờ hết, và thu nhập của dịch vụ này cũng tăng lên rất nhiều.
Xăm đã có từ rất lâu trên các quốc gia và châu lục. Nhiều người cho rằng xăm mình-Tatoo bắt nguồn từ phong tục của người Tahiti, thuộc châu Mỹ. Tuy nhiên, ở nhiều nước thuộc châu Á thì tục lệ xăm đã có từ hàng ngàn năm trước.
Xăm liên quan đến tín ngưỡng, tập tục và lễ nghi, các băng đảng cũng sử dụng các hình xăm làm biểu tượng cho riêng họ... Xăm là cách người ta dùng vật nhọn đâm xuyên vào da và đưa các chất có màu vào sâu tới trung bì da.
Các nhà xăm chuyên nghiệp dùng kim điện tử còn các tay chơi nghiệp dư hay dùng kim thường và mực tàu. Dùng kim đơn hoặc bó kim để xăm, việc đảm bảo vô trùng không được kiểm soát cả kim và mực xăm. Kim điện tử có thể tốt hơn nếu dùng 1 lần và có kiểm soát cả mực xăm.
Xăm thẩm mỹ đã trở thành trào lưu của xã hội.
Các chất để xăm có màu sắc khác nhau dùng: Màu xanh đen sử dụng các bon, mực tàu; màu đỏ sử dụng cinnabar (muối sulfat thủy ngân) hoặc thực vật ; màu xanh nhạt dùng cô ban; màu xanh lá cây dùng crôm; màu vàng dùng cát mi; màu nâu dùng chất liệu là đất son, sắt.
Ngày nay, xăm thẩm mỹ rất phổ biến trong giới trẻ, họ có thể xăm mọi vùng da trên cơ thể và có nhiều hình thù, màu sắc phong phú. Cùng với xăm, họ còn dùng các vật liệu xâu vào cơ thể (Body-Mod).
Và các nguy cơ khi xăm trổ
Khi xăm phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, do vậy có thể xảy ra các tai biến. Xăm làm cho da bị tổn thương do kim xuyên vào da, do đó có thể gây nên các thương tổn và bị nhiễm trùng hay lây truyền bệnh. Hơn nữa, khi đưa các chất để tạo màu sắc cho các vết xăm có thể gây các phản ứng của da với các chất đó. Chúng ta hãy tìm hiểu các tai biến và các phiền phức do xăm gây nên.
Chỗ xăm bị nhiễm trùng: Nhiễm trùng thông thường do các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu làm cho nơi xăm bị viêm mủ. Đôi khi nghiêm trọng hơn làm cho nhiễm trùng sâu gây viêm quầng, hoại thư, nhiễm trùng máu. Nhiễm trùng loại này ngày nay ít gặp do sử dụng các dụng cụ sạch và sử dụng kháng sinh sớm. Nếu bị nhiễm trùng, các vết xăm có thể để lại sẹo và hình xăm không còn được như mong muốn do có biến dạng làm cho khách hàng thất vọng. Y học đã gặp một số trường hợp bị mắc giang mai, bệnh phong, lao da do xăm với các thương tổn bệnh xuất hiện ngay tại nơi xăm. Ngày nay, xăm còn có thể làm lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn như viêm gan virut B, C, HIV... Các bệnh do virut khác như đậu mùa và hạt cơm, u mềm lây cũng có thể lây do xăm trổ.
Phản ứng với chất xăm: Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Ví dụ, thủy ngân có trong chất xăm có thể gây đỏ da tại chỗ hoặc phản ứng toàn thân. Crôm gây đám da nhiễm màu xanh lá cây. Côban cũng gây đám da màu xanh nhạt và có người bị viêm màng bồ đào.
Phản ứng xảy ra gây ngứa, rấm rứt, đỏ, phù nề, bong vảy, vùng xăm bị thâm nhiễm. Phản ứng có thể xảy ra sớm nhưng thường xảy ra sau vài tuần lễ hoặc hàng năm. Đôi khi phản ứng lan rộng ngoài vùng xăm gây eczema, viêm da tiếp xúc hoặc nặng hơn là viêm da tróc vẩy, phản ứng dạng liken, một số trường hợp gây phản ứng viêm dạng u hạt rất khó điều trị. Chúng tôi hay gặp các trường hợp phản ứng do xăm môi, xăm da màu đỏ và rất khó chữa, cần điều trị lâu dài và một số trường hợp phải hút chất màu bằng laser. Không nên xóa xăm bằng laser CO2 vì để lại sẹo xấu, sử dụng laser YaG hiệu quả hơn.
Không ít trường hợp người được xăm thấy khó chịu, hối tiếc đã làm điều này sau khi thực hiện. Điều này có thể xảy ra do người xăm sau khi thực hiện xăm thấy không ổn, hoặc kết quả xăm không được như mong muốn. Đã có nhiều người tìm đến các cơ sở chuyên khoa hoặc trung tâm thẩm mỹ để xoá xăm. Để xoá xăm, có thể dùng laser, bào mòn da... nhưng có nguy cơ gây sẹo, thậm chí có người bị sẹo lồi. Có người phải phẫu thuật cắt vùng xăm và ghép da trong trường hợp vết xăm sâu và đậm.