Những vườn hoa công cộng trong công viên, hai bên đường cũng bị xâm hại. Vì yêu hoa, muốn chiếm hữu làm của riêng nên có người lén nhổ hoa mang về nhà trồng hoặc hái chơi. Khách vào công viên chơi rồi vô tư giẫm đạp, ngồi trên hoa, cỏ; tiểu tiện bừa bãi vào gốc cây xanh, vườn hoa. Đáng lên án nhất là việc khắc tên, viết, vẽ những thông điệp yêu đương nhăng nhít lên những cây di sản hàng trăm năm tuổi.
Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP (thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP và 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ) về xử phạt vi phạm bảo vệ cây xanh, từ ngày 15/1/2018, tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại cây xanh có thể bị phạt tiền lên tới 30 triệu đồng. Điều 53 Nghị định này quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.
Cây xanh bị treo chi chít biển quảng cáo.
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định; Giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa... Đặc biệt, hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Tuy Nghị định đã được áp dụng từ ngày 15/1/2018 nhưng đến nay, tình trạng xâm hại cây xanh vẫn diễn ra. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần mạnh tay, phạt thật nghiêm đối với những người dân có hành vi vi phạm. Về phần người dân, nên chấm dứt ngay tình trạng phá hoại cây xanh để tránh bị phạt. Bảo vệ cây xanh là cách bảo vệ môi trường, tạo không gian sống sinh động, tôn vinh vẻ đẹp đô thị.