Ngoài những loài côn trùng đã trở thành những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền ở dạng nguyên con như bọ cạp, cá ngựa, ngài tằm, dế mèn… còn có những loài côn trùng cho những sản phẩm trực tiếp hoặc gián tiếp - đó là xác ve sầu, tổ bọ ngựa, tổ trùng muối… đều được sử dụng trong phòng và chữa bệnh.
Xác ve sầu phối hợp với cúc hoa vàng chữa đau nhức mắt.
Xác ve sầu có tên thuốc thuyền thoái, tên khác là thiền thoái, thuyền y, thiền thuế. Để làm thuốc, mùa thu hoạch xác ve xầu vào tháng 6-7, khi lấy xác cần gỡ nhẹ tay, tránh làm xác vụn nát, cho xác ve sầu vào nước sôi, rửa nhẹ cho sạch, ngắt đầu và chân rồi phơi khô. Dược liệu có vị mặn, ngọt, tính hơi hàn, có tác dụng phát tán phong nhiệt, giải biểu, tiêu viêm được điều trị trong những trường hợp sau:
Chữa cảm mạo phong nhiệt, ho nhiều đờm, mất tiếng: xác ve sầu 3g, ngưu bàng tử 10g, cam thảo 3g, cát cánh 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa nóng sốt,co giật ở trẻ em: xác ve sầu 3g, câu đằng 6g, tán nhỏ. Sắc với 200ml nước còn 50ml, thêm đường, uống làm 1-2 lần trong ngày.
Chữa chứng khóc đêm của trẻ sơ sinh, trẻ sơ sinh hay giật mình, ngủ không yên giấc: Với trẻ sơ sinh hoặc còn đang bú: xác ve sầu (tán bột mịn) 1-2g hòa vào sữa cho trẻ uống hoặc bôi thuốc vào núm vú cho trẻ bú.
Chữa ho, khàn tiếng, mất tiếng: xác ve sầu, nghệ vàng lượng bằng nhau, tán bột mịn. Tùy theo tuổi, với trẻ em, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 4 - 6g, người lớn 8 - 12g/lần; có thể thêm mật ong hoặc đường phèn cho dễ uống.
Chữa đau đầu, chóng mặt, ù tai: xác ve sầu liều dùng hàng ngày 4 - 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột uống với nước ấm.
Chữa mắt có màng mộng, đau nhức mắt: xác ve sầu, cúc hoa vàng lượng bằng nhau, phơi khô, tán bột mịn, ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần 8 - 12g với nước ấm, có thể hòa thêm ít mật ong.
Chú ý: phụ nữ có thai không dùng xác ve sầu.