Xác suất rủi ro và lời xin lỗi...

05-05-2017 12:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Khi nói đến án oan, nhiều người đã tự biện hộ rằng đó là xác suất rủi ro kiểu như bị điện giật, đuối nước, quạt trần, cành cây rơi trúng đầu...

Hai Phiếm bực lắm:

- Khi nói đến án oan, nhiều người đã tự biện hộ rằng đó là xác suất rủi ro kiểu như bị điện giật, đuối nước, quạt trần, cành cây rơi trúng đầu...

- Thì có ai muốn người khác bị oan ngoài việc muốn tìm ra tội phạm!

- Điện giật, cành cây rơi trúng đầu là những chuyện không ngờ chứ một bản án được quyết định bởi con người, không phải một người mà rất nhiều người, hơn nữa cũng không ai thúc ép chuyện phải buộc kẻ không có tội bị trừng phạt cả.

- Thế sao vẫn có án oan?

- Không muốn nhưng tắc trách lại muốn có thành tích, muốn giấu năng lực điều tra kém nên mới có những người chịu án oan như ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long và còn nhiều người khác nữa! Đấy là những số phận phải chịu cảnh tù khi không có tội và đã được minh oan. Liệu có còn không những tù nhân như thế đang vẫn phải chịu cảnh nhà tù?

- Như bà Đỗ Thị Hằng là một giáo viên cấp 3, khi bị đi tù oan với tội mua bán phụ nữ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi được minh oan thì gia đình bà tan nát, chồng tự tử chết, các con ly tán, hư hỏng…

- Phần lớn các vụ án oan được làm rõ là do thủ phạm ra đầu thú, vô tình gặp được nạn nhân sau nhiều năm biệt tích để nhờ họ làm chứng…

- Chứ phận tù làm sao chứng minh được mình vô tội! Cần phải trừng trị thật thích đáng những kẻ gây ra oan sai. Nếu họ cứ gây ra oan sai rồi Nhà nước phải đứng ra giải quyết hậu quả (bồi thường) và xét xử họ nhẹ nhàng thì chắc chắn oan sai vẫn còn.

- Hèn chi trong buổi xin lỗi công khai người bị oan, đại diện cơ quan đứng ra xin lỗi bị ném dép ghê quá!

- Xin lỗi phải thực lòng, đau đớn thực sự vì lỗi mình hay cơ quan mình gây ra chứ không phải là đọc những câu chữ vô hồn trên giấy từ cổ họng!


Cả Nghĩ
Ý kiến của bạn