Hà Nội

Xác rắn lột – Vị thuốc hay

SKĐS - Xác rắn lột được lấy từ nhiều loại rắn, nhưng tốt nhất là xác rắn ráo.

Xác rắn lột được lấy từ nhiều loại rắn, nhưng tốt nhất là xác rắn ráo. Xác rắn lột có tên thuốc là xà thoát hay xà thoái, có vị ngọt mặn, hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, giải độc.

Chữa viêm họng: theo các tài liệu cổ, xác rắn lột cho vào ống tre, đốt lấy khói xông vào cổ họng chữa viêm họng.

Xác rắn lột.

Xác rắn lột.

Chữa trĩ mũi: lấy 1 cái xác rắn lột đốt thành than; hoa hòe và long cốt mỗi vị 10g phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn; Tất cả trộn đều, thổi vào lỗ mũi ngày vài lần. Thuốc đắp chữa nhọt: xác rắn lột cắt nhỏ, sao qua, tán bột, tẩm với rượu cho thành bánh, đắp chữa nhọt cứng sấn (không có mủ).

Theo kinh nghiệm dân gian, chữa chốc mép, ghẻ lở: xác rắn lột đốt thành tro, rắc hoặc hòa với sữa bôi chữa trẻ em sưng lưỡi, tắc họng; Trộn với mỡ trăn và phèn phi bôi chữa tổ đỉa; với rượu đắp chữa ung nhọt; với bọ hung và phèn phi thổi vào tai chữa viêm tai có mủ.

Xác rắn lột còn phối hợp với một số dược liệu nguồn gốc thực vật để chữa đầu vú bị nứt nẻ ở phụ nữ, mụn nhọt theo cách làm sau: xác rắn 100g đốt tồn tính, tán nhỏ, rây bột mịn, củ ráy dại 100g, nghệ vàng 100g để tươi, thái mỏng, cho vào dầu vừng, rán rồi bỏ bã. Hoặc trộn đều bột xác rắn với dầu các dược liệu. Bôi hàng ngày.

Để chữa trĩ, lấy xác rắn lột 1 cái, lá cam sành 1 nắm, phơi khô, đốt thành than, tán bột, hòa với nước cơm mà bôi.

Đồng bào Thượng ở Tây Nguyên lại dùng xác rắn lột nấu nước uống chữa da khô, ngứa ngáy, hay bong vảy.

Ở Trung Quốc, người ta dùng xác rắn lột trị trẻ em kinh giản, phong lở miệng, đinh nhọt, tràng nhạc, ghẻ lở.

DS. Hữu Bảo

Ý kiến của bạn