Nguyễn Thanh Hoa (Quảng Ninh)
Chậm phát triển lời nói của trẻ có nhiều biểu hiện đa dạng, phụ thuộc vào từng lứa tuổi khác nhau. Với trẻ từ 18 - 24 tháng tuổi, dấu hiệu chậm nói được xác định khi trẻ: Chưa thể nói được 6 từ; Không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể như mắt, tai, mũi, đầu khi được hỏi; Không thể giao tiếp bằng bất cứ cách nào (lời nói, cử chỉ,…) kể cả khi cần giúp đỡ, không biết chỉ vào thứ mình muốn; Chưa nói được các từ đơn như “mẹ”, “bế”; Không hiểu các mệnh lệnh đơn giản; Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi. Trẻ chậm nói đơn thuần đôi khi chỉ mang tính chất tạm thời, việc này có thể mất đi nhờ sự trợ giúp của người thân như động viên trẻ tập nói, chơi với con, đọc sách và nói chuyện với trẻ mỗi ngày. Trong một số trường hợp, trẻ chậm nói có thể là dấu hiệu báo động cho những rắc rối nghiêm trọng hơn như: mất thính lực, chậm phát triển trong các lĩnh vực khác hoặc bệnh tự kỷ. Nếu trẻ có các biểu hiện chậm nói nêu trên, việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm là kiểm tra khả năng nghe của trẻ. Kể cả trường hợp trẻ trông có vẻ nghe tốt cũng không được chủ quan, vì đa số trẻ em rất giỏi đoán biết dựa vào hình ảnh và cử chỉ của người lớn. Khiếm khuyết về khả năng nghe cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Trẻ chậm nói hoặc có bất thường ngôn ngữ nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ khá hiệu quả.