ThS. Nguyễn Trung Khải.
PV: Vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở xã Nậm Tỵ, huyện Sông Mã, diễn ra sau ít ngày tỉnh phát động Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 để lại nhiều dư chấn, bởi đây là vụ ngộ độc tập thể lớn nhất trên địa bàn huyện Sông Mã trong nhiều năm qua. Nguyên nhân được xác định là gì, thưa ông?
ThS. Nguyễn Trung Khải: Vụ ngộ độc xảy ra các bệnh nhân đến ăn cỗ cưới tại bản Nà Mện (xã Nậm Tỵ, huyện Sông Mã). Đám cưới có khoảng trên 300 người tham gia và đa phần đều có dấu hiệu bị ngộ độc. Tất cả những người có biểu hiện bệnh đã được người nhà đưa xuống Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Sông Mã, vào Trạm Y tế xã Nậm Tỵ để kiểm tra, theo dõi sức khỏe ngay trong đêm và các ngày sau đó. Trong cỗ cưới có các món ăn chủ yếu là thịt bò và thịt lợn được chế biến làm món luộc và nướng; rượu trắng; cơm nếp. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã cử đoàn công tác do đồng chí Phó Giám đốc Sở, lãnh đạo các phòng chức năng tới BVĐK huyện Sông Mã để nắm bắt tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn việc tiếp nhận, chẩn đoán và cấp cứu cho các bệnh nhân. Sở cũng chỉ đạo BVĐK huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tăng cường nhân lực đảm bảo khám, phân loại và thu dung bệnh nhân tại BVĐK huyện và Trạm Y tế xã Nậm Tỵ. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã lấy mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân cụ thể. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cùng Trung tâm Y tế huyện; Trạm Y tế xã Nậm Tỵ giám sát, theo dõi diễn biến tình hình vụ ngộ độc.
Kết quả xét nghiệm 4 mẫu nước lấy tại bản Nà Mện, xã Nậm Tỵ không phát hiện ra thuốc trừ cỏ Paraquat có trong các mẫu nước này. Tuy nhiên, với 17 mẫu bệnh phẩm lấy của các bệnh nhân đã phát hiện có trực khuẩn thương hàn Salmonella. Đây là loại vi khuẩn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, nhiễm độc cơ tim, trụy tim mạch.
Trước tình hình này, Sở Y tế Sơn La tiếp tục huy động cán bộ, nhân lực cùng trang thiết bị, thuốc, dịch truyền để tập trung việc đảm bảo tiếp nhận, khám, chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân. Chỉ đạo BVĐK huyện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tiến hành phun khử khuẩn, tấy uế môi trường bệnh viện, thực hiện xử lý chất thải của người bệnh theo quy định.
Trung tâm YTDP xây dựng kế hoạch thực hiện phun khử khuẩn, tẩy uế môi trường tại bản Nà Mện, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, hoàn thành trước ngày 15/5/2018, đến nay việc thực hiện kế hoạch cũng đã hoàn thành. Tính đến ngày 16/5, đã có 369 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc đến khám (trong đó khám tại bệnh viện 259, tại trạm y tế xã 110). Tổng số bệnh nhân được kê đơn điều trị ngoại trú: 146 (trong đó bệnh viện 52; Trạm y tế xã 94). Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú: 223 (bệnh viện 207; Trạm y tế xã 16). Tất cả các bệnh nhân đã được điều trị ổn định và cho ra viện từ ngày 16/5/2018.
PV: Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh xuất hiện vụ ngộ độc tập thể nhưng đây là vụ ngộ độc lớn nhất, may mắn không có ai bị tử vong. Rút kinh nghiệm từ những vụ ngộ độc như thế này, ngành y tế cần phải làm gì?
ThS. Nguyễn Trung Khải: Nhiều vụ ngộ độc tập thể ở vùng cao Tây Bắc đã xảy ra, nhiều người phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được ngành xác định ưu tiên số một. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các thứ tiếng dân tộc; qua các băng rôn, khẩu hiệu, các đĩa hình, đĩa tiếng, tờ rơi... Tuy nhiên, hiện nay biện pháp hữu hiệu nhất mà ngành vẫn đang đẩy mạnh triển khai đó là việc tăng cường cán bộ y tế các tuyến xuống cơ sở hướng dẫn trực tiếp với người dân.
Ở tuyến huyện có phòng y tế, trung tâm y tế tuyến huyện, rồi xuống tuyến xã thì có trạm y tế xã, xuống thôn bản thì có nhân viên y tế thôn bản, trực tiếp làm công tác tuyên truyền, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Giám sát chặt chẽ tình hình ngộ độc thực phẩm đồng thời với việc thanh kiểm tra thường xuyên.
Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả việc hạn chế, ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm thì cần phải có sự quyết tâm, đồng thuận vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, cụ thể là ngành công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, y tế thì mới đảm bảo hiệu quả.
Kết quả 17 mẫu bệnh phẩm lấy tại bản Nà Mện, xã Nậm Tỵ phát hiện có trực khuẩn thương hàn Salmonella.
PV: Ngộ độc tập thể ở các tỉnh miền núi thường xảy ra khi các gia đình tổ chức đám cưới, đám hiếu...nhiều địa phương tổ chức ký cam kết giữa chính quyền cơ sở với gia đình tổ chức cỗ đám? Sơn La có nên áp dụng biện pháp này?
ThS. Nguyễn Trung Khải: Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở vùng Tây Bắc có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Việc cưới hỏi, đám hiếu cũng mang đậm nét bản sắc dân tộc, do đó việc tuyên truyền, phố biến để tạo được sự đồng thuận, nhất trí thực hiện ký cam kết giữa chính quyền cơ sở với gia đình tổ chức cưới hỏi, đám hiếu cần phải có sự tham gia rất tích cực của các cấp, các ngành. Tuy nhiên nếu thực hiện được việc ký cam kết này thì chắc chắn các mối nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các vụ ngộ độc sẽ giảm thiểu được đáng kể.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!