Hà Nội

“Xác định lại giới tính” hay “chuyển đổi giới tính”?

PGS.TS. Trần Ngọc Bích

PGS.TS. Trần Ngọc Bích

nguyên Trưởng khoa Ngoại Nhi và Sơ sinh - BV Việt Đức

29-05-2017 08:08 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Thời gian vừa qua, những thông tin về “ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam” sẽ diễn ra tại Bệnh viện Bình Dân TP. HCM

Thời gian vừa qua, những thông tin về “ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam” sẽ diễn ra tại Bệnh viện Bình Dân TP. HCM (mới đây được đính chính là ca phẫu thuật xác định lại giới tính) đã góp phần làm nóng lên vấn đề phẫu thuật liên quan tới những khiếm khuyết hay bất thường sinh dục và vấn đề chuyển đổi giới tính trong dư luận. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.TTND. Trần Ngọc Bích (nguyên Trưởng khoa Ngoại Nhi và Sơ sinh - BV Việt Đức), một chuyên gia trong lĩnh vực thận tiết niệu - sinh dục nhi.

“Xác định lại giới tính” hay “chuyển đổi giới tính”?

PGS.TS.TTND. Trần Ngọc Bích.

PV: Thưa PGS.TS. Trần Ngọc Bích, vì sao có sự nhầm lẫn giữa một ca xác định lại giới tính với chuyển đổi giới tính vậy? Giữa hai khái niệm này có sự khác nhau ra sao và cần phân định thế nào?

PGS.TS. Trần Ngọc Bích: Ở nước ta, việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật;

Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính;

Ở nước ta, việc xác định lại giới tính được quy định và hướng dẫn rõ ràng tại Nghị định 88 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008. Trong đó còn định rõ những tiêu chuẩn y tế để xác định lại giới tính trong các trường hợp nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

“Xác định lại giới tính” hay “chuyển đổi giới tính”?

Một ca phẫu thuật để xác định lại giới tính cho trẻ ở Hà Nội.          Ảnh: Thúy Anh

Còn chuyển đổi giới tính được áp dụng cho những trường hợp đã định hình và hoàn thiện về giới tính nhưng có nhu cầu chuyển đổi giới tính. Ví dụ như tôi là nam giới, đầy đủ và hoàn hảo về cấu tạo cơ thể, sinh ra được xác định và ghi trong giấy tờ nhân thân là giới tính nam. Nhưng, vì một lý do nào đó tôi muốn được phẫu thuật thành nữ - Đó là chuyển đổi giới tính.

Về vấn đề chuyển đổi giới tính, mặc dù Bộ luật Dân sự sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng hiện tại, phẫu thuật chuyển giới vẫn chưa được phép thực hiện tại Việt Nam.

“Xác định lại giới tính” hay “chuyển đổi giới tính”?

Trường hợp xác định nhầm giới tính nên được can thiệp sớm dựa vào kết quả xác định giới tính và nguyện vọng của bệnh nhân.

PV: Đó có lẽ là lý do đính chính thông tin rằng, ca phẫu thuật sắp thực hiện tại BV Bình Dân xác định định lại giới tính chứ không phải là chuyển đổi giới tính chăng? Liệu có sự chồng lấn giữa hai khái niệm?

PGS.TS. Trần Ngọc Bích: Theo thông tin bạn cung cấp và thông tin của truyền thông, ca của BV Bình Dân được xác định là lưỡng giới thật, có nhiễm sắc thể 46XX (nhiễm sắc thể nữ), có tinh hoàn phải, tuyến tiền liệt, tử cung. Căn cứ vào đó, đây là một ca xác định lại giới tính. Bạn hỏi liệu có sự chồng lấn giữa hai khái niệm không? Không có. Như định nghĩa ở trên, xác định lại giới tính là thực hiện trên những ca có khiếm khuyết về bộ phận sinh dục hoặc không xác định rõ về giới tính còn chuyển đổi giới tính là những người trưởng thành rõ ràng về giới tính, có bộ phận sinh dục hoàn thiện đầy đủ. Rõ ràng khác nhau.

Tuy nhiên, các ca xác định lại giới tính không hề đơn giản. Giới tính có khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác có thể chia làm mấy nhóm. Nhóm thứ nhất là nam lưỡng giới giả nữ. Trường hợp này có thể có dương vật nhỏ hơn bình thường, có thể sờ thấy tinh hoàn hoặc không, tinh hoàn ẩn, siêu âm hoặc nội soi thấy tinh hoàn; không có tử cung và buồng trứng. Nhiễm sắc thể giới tính là XY hoặc gene biệt hóa tinh hoàn dương tính hoặc kết hợp cả hai trường hợp trên.

Nhóm thứ hai là nữ lưỡng giới giả nam: Bộ phận sinh dục có âm vật phát triển như dương vật nhưng không sờ thấy tinh hoàn, siêu âm hoặc nội soi thấy có tử cung, buồng trứng, không thấy tinh hoàn; Nhiễm sắc thể giới tính là XX.

Nhóm thứ ba là lưỡng giới thật: Bộ phận sinh dục không xác định được là nam hay nữ. Tuyến sinh dục có cả tổ chức tinh hoàn, buồng trứng; Nhiễm sắc thể giới tính có thể là một trong các dạng XX/XY; XXX/XY; XX/XXXY hoặc các dạng nhiễm sắc thể khác.

Trong thực tế, chỉ riêng nữ lưỡng giới giả nam thôi đã có tới 5 mức độ từ nhẹ đến nặng. Về bản chất là nữ nhưng có người thoạt trông như con trai, vẫn có dương vật kích thước bình thường, thậm chí có thể cương, có bìu nhưng không thấy tinh hoàn. Đây là thể nặng mức 5. Có người âm vật của nữ nhưng to phì đại nên giống như dương vật nam, trông như dị tật lỗ đái thấp ở trẻ trai. Thường ở thể nhẹ, khi sinh ra, giấy tờ xác định vẫn là nữ. Khi lớn lên, xác định bệnh và được điều trị, bác sĩ thường tư vấn điều trị thành nữ, những gì khiếm khuyết thì sửa chữa, như âm vật phì đại thì tạo hình lại cho giống của nữ. Nếu lỗ đái và lỗ âm đạo chung nhau (niệu đạo và âm đạo đổ vào ống niệu dục) thì tách âm đạo và niệu đạo riêng ra rồi tái tạo lại âm đạo... Như vậy, tên con gái, nhân thân con gái không có gì thay đổi. Nhưng có trường hợp thể nặng, nam hóa mạnh, được chẩn đoán muộn, có người đã hơn 30 tuổi, cơ thể cao lớn có cơ bắp như nam giới, ngoại hình thiên về nam. Người đó lại khăng khăng muốn giữ giới tính là nam và yêu cầu chỉ mổ chữa thành bộ phận sinh dục của nam giới. Vậy thì mặc dù bản chất là nữ nhưng bác sĩ vẫn cắt bỏ những gì là của nữ như buồng trứng, tử cung. Do đã có dương vật và bìu, chỉ không có tinh hoàn nên phải đặt tinh hoàn giả và nếu dương vật cong, lỗ đái thấp thì làm thẳng dương vật và tạo hình niệu đạo để bộ phận sinh dục như của nam giới. Thế là chuyển giới tính đấy - Bản chất là nữ, nhưng lại chuyển thành nam. Tuy nhiên, đây vẫn là xác định lại giới tính trên cơ sở điều trị bệnh.

Trở lại ca ở BV Bình Dân cũng vậy, nhiễm sắc thể là XX (nữ) nhưng bệnh nhân khăng khăng muốn xác định giới tính nam. Với tình trạng bệnh như nêu trên thì có thể tái tạo lại bộ phận sinh dục thành cơ quan sinh dục nam theo yêu cầu người bệnh.

“Xác định lại giới tính” hay “chuyển đổi giới tính”?

Một ca phẫu thuật xác định giới tính ở BV Việt Đức.   Ảnh: Ngọc Thắng

PV: Như vậy, chúng ta có thể nói thế này: trong điều trị xác định lại giới tính cũng có lúc chúng ta làm cái việc chuyển đổi giới tính trên cơ sở điều trị bệnh. Vậy dựa vào đâu để quyết định xác định lại giới tính nào, thưa PGS?

PGS.TS. Trần Ngọc Bích: Nói về bệnh và điều trị thì phức tạp nhưng để chọn giới mổ chữa thì chỉ có 3 điều thôi.

Thứ nhất, cả thầy thuốc và bệnh nhân với gia đình hãy chọn giới tính nào mà ở giới tính đó người được xác định giới tính có thể thực hiện được chức năng sinh sản.

Thứ hai, nếu không có khả năng sinh sản, hãy chọn giới mà khi mổ sẽ tái tạo bộ phận sinh dục giống hay gần giống với tự nhiên nhất.

Thứ ba, là nguyện vọng và quyền quyết định của bệnh nhân và gia đình. Nếu sau khi tư vấn cả hai điều trên mà người bệnh vẫn khăng khăng theo ý muốn của mình thì có thể thực hiện theo mong muốn của người bệnh.

PV: Xin chân thành cảm ơn PGS.TS.TTND. Trần Ngọc Bích về cuộc trao đổi bổ ích và thú vị này!


Lê Minh Thúy
Ý kiến của bạn