Hà Nội

Xác định diện mạo một nền văn hóa đặc sắc

21-07-2009 08:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức triển lãm giới thiệu những hiện vật mới với tên gọi Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện, nghiên cứu.

Nhân kỷ niệm 100 năm phát hiện văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tổ chức triển lãm giới thiệu những hiện vật mới với tên gọi Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện, nghiên cứu. Cùng với sự kiện này, từ ngày 22-25/7, một cuộc hội thảo cấp quốc tế về văn hóa Sa Huỳnh sẽ được tổ chức với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đến từ các nước trên thế giới và khu vực.

Qua một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định nền văn hóa Sa Huỳnh đã tồn tại hơn 5.000 năm, ở vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên (CN) đến cuối thế kỷ thứ 2 sau CN, kéo dài từ thời hậu kỳ đồ đá mới đến đầu thời đại đồ sắt. Địa bàn phân bố chủ yếu của văn hóa Sa Huỳnh là ở khu vực Nam Trung bộ Việt Nam mà trung tâm hiện thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh có sự giao thoa với văn hóa Đông Sơn ở khu vực Bình Trị Thiên cho đến Hà Tĩnh. Phía Nam, giao thoa với các văn hóa thời đại kim khí lưu vực sông Đồng Nai ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận cho đến vùng Đông Nam bộ.

Mộ chum hình cầu tại di chỉ Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). 

Với một sức sáng tạo mạnh mẽ và phong phú, văn hóa Sa Huỳnh cũng có sự ảnh hưởng và giao thoa với các nền văn hóa lớn khác trong khu vực như Trung Hoa cổ xưa, Ấn Độ cổ xưa và nhiều nền văn hóa khác ở Đông Nam Á. Đỉnh cao của nền văn hóa này là cơ sở để hình thành nhà nước cổ đại đầu tiên ở miền Trung Việt Nam: nhà nước Lâm Ấp - Chăm Pa. Cùng với các nền văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (Đồng Nai, miền Nam) đã tạo thành tam giác văn hóa - là ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam.

      Nền văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 khi ông tìm thấy bên đầm An Khê, một đầm nước ngọt ở Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi một số lượng lớn quan tài bằng chum (khoảng 200 chiếc). Người ta gọi đó là Kho chum Sa Huỳnh. Từ đó đến nay đã có khoảng 80 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện, hàng ngàn di chỉ được nghiên cứu khai quật. Ít nhất 3 cuộc hội thảo quốc gia về văn hóa Sa Huỳnh đã được tổ chức vào các năm 1981, 1995 và 1999 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Hội An. Hàng trăm báo cáo khoa học, luận án tiến sĩ, đề tài khoa học cấp bộ đã được thực hiện và công bố. Qua đó đã đem đến những đánh giá xác đáng và quan trọng về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển của một nền văn hóa vô cùng đặc sắc, làm sáng tỏ nhiều điều về đời sống của các tộc người thời tiền sơ sử ở miền Trung Việt Nam.

Đặc biệt, với kết quả khảo cứu của Viện Khảo cổ học quốc gia Đức hợp tác với các nhà khảo cổ học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, tiến hành khảo cứu trong các năm 2004-2005 tại một số vùng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, bước đầu đã xác định được toàn bộ diện mạo của nền văn hóa này. Đó là những đặc trưng phân bố thường gắn với các địa hình cồn, bàu; đặc trưng di tích điển hình là mộ táng với ba loại hình mộ táng: mộ chum, mộ nồi chôn úp nhau và mộ đất, trong đó mộ chum chiếm số lượng lớn nhất và đặc trưng nhất. Mộ chum Sa Huỳnh có các dạng chính: chum hình trụ, chum hình trứng, chum trung gian giữa hình trụ và hình trứng, chum hình cầu... Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8m, đường kính 1m, đa phần cao dưới 1m, đường kính 50 - 60 cm. Quy mô cũng như phân bố các mộ trong di tích Sa Huỳnh cũng rất khác nhau, có những bãi mộ có hàng trăm chiếc nhưng cũng có những di tích chỉ phát hiện vài ba mộ. Các mộ chum thường không chôn theo quy luật nhưng rất hiếm trường hợp mộ cắt phá nhau. Đặc trưng di vật của văn hóa Sa Huỳnh phần lớn là đồ tùy táng được chôn theo các ngôi mộ trong các di tích, gồm đồ gốm, đồ trang sức bằng đá, thủy tinh, ngọc trai... Qua đó, chúng ta có thể thấy được sự đa dạng trong phương thức khai thác kinh tế, trong đời sống tinh thần của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hoạt động khảo cổ khác, các di chỉ đã được phát hiện cho đến nay vẫn chưa có điều kiện khảo cổ tuyệt đối và đang gặp nhiều khó khăn trong việc giữ gìn nguyên trạng, các di vật đã thu thập được rải rác ở nhiều bảo tàng khác nhau, trong nhiều bộ sưu tập khác nhau, đang rất cần được có một bảo tàng riêng để tập trung về, nhằm giữ gìn và giúp người xem có được một hình dung đầy đủ về nền văn hóa đặc sắc này.

Một kiểu trang sức đặc sắc được tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh. 

Theo TS. Phạm Quốc Quân  - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 100 năm nghiên cứu Sa Huỳnh, kết quả rất đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lỗ hổng trong trưng bày văn hóa Sa Huỳnh cần được khỏa lấp bằng các phát hiện mới, hiện vật mới từ khai quật khảo cổ học... Cha ông ta đã để lại cho ngày nay một khối lượng di sản đồ sộ và kỳ thú không kém bất cứ nền văn minh cổ nào trên thế giới, nhưng dường như không mấy ai mường tượng nổi, bởi chúng bị xé nát thành những sưu tập nhỏ, trưng bày khiêm tốn ở một số bảo tàng  của Việt Nam. Vậy nên, cần có một bảo tàng riêng trưng bày về văn hóa Sa Huỳnh ở ngay tại miền Trung Việt Nam, với đại diện là tỉnh Quảng Ngãi mà trong đó, thông qua những bộ di vật đặc sắc và hấp dẫn của những giai đoạn phát triển trước Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, tiền Chăm Pa, giới thiệu một cách khá toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động kinh tế, cơ tầng xã hội, sự phát triển nội tại, sự tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài của nền văn hóa này với thế giới. Chắc chắn đây sẽ là một "sản phẩm hàng hóa" đặc sắc mang nhãn hiệu miền Trung Việt Nam. Nó không chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh mà sẽ là một địa chỉ tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Bài và ảnh: Hà Dương


Ý kiến của bạn