Xả trộm chất thải chưa xử lý ra môi trường - Không thể xem nhẹ

15-05-2019 06:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên tiếp trong thời gian gần đây, tại một số địa phương, nhiều cơ sở sản xuất đã ngang nhiên xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Mặc dù hành vi xả thải ra môi trường đều bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt theo quy định nhưng hiện tượng xả thải chưa qua xử lý vẫn không giảm.

Mới đây, nguồn nước sông Cái Lớn của tỉnh Hậu Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hơn 6.000 hộ dân sinh sống quanh khu vực. Nguyên nhân chính được xác định là do nhà máy Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát xả nước thải ra sông. Hiện UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Công an tỉnh Hậu Giang xem xét hành vi xả thải ra môi trường của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát xử lý theo quy định.

Xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường là việc làm cần thiết đối với các doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển của các khu công nghiệp, tình trạng xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng. Tại nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ doanh nghiệp  (DN) đang vô tình hoặc cố ý thực hiện các vi phạm pháp luật môi trường. Nhiều DN xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng đang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường C49, hiện nay, hơn 70% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp đang xả thẳng ra nguồn tiếp nhận, không qua xử lý. Vấn đề xả thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp, hoa màu của người dân bị ảnh hưởng. Đây thực sự đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa môi trường sống của người dân.

Nguyên nhân chính được cho là trong lĩnh vực xử lý chất thải, do những khó khăn trong sản xuất kinh doanh cũng như vì chỉ chú ý đến lợi nhuận, nhiều DN không chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Ngoài việc không đầu tư xử lý chất thải theo đúng quy định, phương thức thủ đoạn của các DN ngày càng tinh vi, cố tình gây ra các sự cố để xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đó là những hành vi như cố tình làm vỡ hệ thống chứa, dẫn nước thải để xả khối lượng nước thải bị ứ đọng lâu ngày, gây ra việc ô nhiễm ở nguồn nước để đẩy vào thế đã rồi và các DN tiếp tục xả thải...

Đại diện Tổng cục Môi trường đánh giá, tình trạng xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép ra ngoài môi trường khá phổ biến. Phần lớn các DN, cơ sở sản xuất chưa tự giác chấp hành, hợp tác với các cơ quan chức năng trong thẩm định chất lượng hệ thống xử lý nước, rác thải. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí mua sắm máy móc, trang bị hệ thống xử lý chất thải cao hơn so với chi phí mà DN bỏ ra để chịu xử phạt hành chính. Thực tế này diễn ra phổ biến trong thời gian qua nhưng chưa có biện pháp khả thi để khắc phục.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong môi trường quá ô nhiễm. Việc bảo vệ môi trường, đấu tranh lên án hành vi đổ trộm chất thải nói chung, chất thải công nghiệp chưa qua xử lý nói riêng là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Trong đó, vấn đề cốt lõi là tăng cường giáo dục tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của môi trường sống và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng. Đồng thời, để xử lý vấn nạn này cần sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều cơ quan chức năng và sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, xử lý các hành vi đổ trộm chất thải, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường; đặc biệt cần nâng cao chế tài xử lý nghiêm minh đối với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Theo đó, cần có một chế tài chặt chẽ hơn, quyết liệt và mạnh tay hơn để răn đe đối tượng vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý hoặc nồng độ chất ô nhiễm vượt chuẩn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nặng nề, đồng thời còn ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng xung quanh. Do đó, việc xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường là việc làm cần thiết đối với các DN. Việc làm này chính là bảo vệ môi trường của chúng ta và cũng chính là bảo vệ cho sự tồn tại của chính DN. Việc này không thể xem nhẹ!

Theo luật sư Phạm Huy Tuyến - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hành vi xả chất thải ra môi trường, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 235 về tội Gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 01 - 05 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại ddiều này thì bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Kiên Giang
Ý kiến của bạn