Xạ trị gia tốc điều trị cho trẻ em bị ung thư

27-01-2015 19:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Xạ trị gia tốc để điều trị bệnh ung thư ở trẻ dưới 15 tuổi kết hợp với các phương pháp khác như: phẫu thuật và hóa chất là an toàn, hiệu quả.

Ung thư trẻ em là bệnh lý không thường gặp, nhưng là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ em tại các nước phát triển. Theo BS. Mai Trọng Khoa, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, điều trị ung thư ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí tổn thương, giai đoạn bệnh, sức khỏe của trẻ…

Biểu hiện bệnh đa dạng

Ước tính trên toàn thế giới, hàng năm có hơn 175.000 trẻ em mắc bệnh và tỉ lệ tử vong khoảng 96.000 trẻ em mỗi năm. Ung thư phổ biến nhất ở trẻ em gồm: ung thư máu, khối u nội sọ và ung thư hệ bạch huyết. Một số bệnh ung thư thường gặp khác như: U wilms, u nguyên bào thần kinh, sarcoma…Nguyên nhân vẫn chưa được rõ trong khi bệnh thường gặp ở nhóm tuổi từ 1 - 4 tuổi.

Kết quả nghiên cứu 63 bệnh nhân với chẩn đoán bị có chỉ định xạ trị gia tốc tại Bệnh viện Bạch Mai (từ tháng 7/2009 đến 7/2013), các biểu hiện lâm sàng đa dạng, tùy thuộc vào từng loại tổn thương, vị trí và giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị u não thì triệu chứng hay gặp là đau đầu chiếm 92,5%, buồn nôn và nôn là 85%, các dấu hiệu thần kinh khu trú: 40%...Với bệnh nhân bị sarcoma, triệu chứng lâm sàng thường gặp là hội chứng thiếu máu chiếm 85,7%, 42,9% đau xương, 42,9% hạn chế vận động…Với u wilms, triệu chứng cũng rất đa dạng, nhưng chủ yếu gặp triệu chứng đau vùng hố thắt lưng (75%), đái máu (50%) và tự sờ thấy khối u bụng (37,5).

Phương pháp cơ bản an toàn, hiệu quả

Theo BS. Mai Trọng Khoa, xạ trị gia tốc cùng với phẫu thuật và hóa trị là những phương pháp điều trị cơ bản các bệnh ung thư ở trẻ em. Trong những năm gần đây, với sự ra đời của máy xạ trị gia tốc đã giúp giải quyết những trường hợp khó không phẫu thuật được hoặc điều trị bổ trợ, điều trị triệt căn, mang lại thời gian và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh nhân Trịnh A.T. (8 tuổi) vào viện khi bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường nhạt 4 năm. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến tại Bệnh viện Nhi Trung Ương và được điều trị thường xuyên bằng Minizin 1/3 viên vào buổi sáng và 2/3 viên vào buổi tối. Gần đây, bệnh không đỡ và có chiều hướng nặng hơn và bệnh nhân được chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, kết quả là có tổn thương vùng trên yên, nghĩ nhiều đến Germinoma (u tế bào mầm). Bệnh nhân được hội chẩn tại Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán là u tế bào mầm trên yên thể khu trú đã gây suy yên, hướng điều trị là tia xạ gia tốc toàn não 1,8Gy/ngày x 3 buổi, sau đó đánh giá lại bằng cộng hưởng từ và xét nghiệm xét điều trị tiếp sau. Bệnh nhân đã được tia xạ đúng kế hoạch, dung nạp tốt không có tác dụng phụ nào phải ngừng tia xạ. Đánh giá sau điều trị đáp ứng tốt cả về chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định tia xạ tăng liều cao hơn vào vùng yên trên (vị trí khối u) thêm 12 buổi x 1,8Gy để đạt tổng liều vào khối u là 45Gy. Đánh giá sau điều trị bệnh đáp ứng rất tốt không có tác dụng phụ nhiều. Xét nghiệm về gần bình thường, trước điều trị: Beta-HCG: 15,8Mu/ml sau điều trị 25 buổi là 0,36Mu/ml (bình thường 1 - 5,3mU/ml).

Một trường hợp khác là Bệnh nhi Vũ T.H. (8 tuổi) vào viện vì lý do đau đầu, nôn, sụp mi mắt trái. Bệnh nhân đã được chụp MRI từ sọ não, cho thấy hình ảnh khối tổn thương choán chỗ tại đường giữa của tiểu não kích thước 4cm x 3cm. Bệnh nhi được chẩn đoán: u não, nghĩ nhiều là u nguyên bào tủy. Bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy u tối đa, mô bệnh học là u nguyên bào tủy sau đó xạ trị toàn não và tủy 36Gy, tập trung thêm liều xạ trị vào tổn thương u đạt liền tại u là 56,8Gy. Trên hình ảnh cộng hưởng từ sau xạ trị tổn thương u đã thu nhỏ hơn kích thước u 0,5cm.

BS. Mai Trọng Khoa, cho biết tùy theo bệnh, giai đoạn bệnh, giải phẫu bệnh mà bệnh nhân có chỉ định xạ trị triệt căn, xạ trị bổ trợ. Tuy nhiên, xạ trị ở trẻ em gặp rất nhiều khó khăn, trẻ cần phải được cố định khi chụp mô phỏng và trong quá trình xạ trị. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ tuổi (dưới 6 tuổi) rất khó để bảo trẻ nằm yên được. Đa số các bệnh nhi, các bác sĩ đều cho trẻ làm quen với các phòng máy, tập cho trẻ chơi với không gian xung quanh phòng chiếu xạ... Tất cả bệnh nhân trước khi điều trị được hội chẩn hội đồng gồm có các bác sĩ chuyên khoa nhi, ngoại thần kinh, nội thần kinh, ung thư, chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, giải phẫu bệnh, tai mũi họng…

NGUYỄN HUYỀN

 


Ý kiến của bạn