Nằm trong cụm công trình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017 - những ứng dụng điều trị bệnh Ung thư gan nguyên phát (UTGNP) của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị và lợi ích về kinh tế cho bệnh nhân (BN). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS. Mai Hồng Bàng - Giám đốc BV 108, tác giả của cụm công trình nghiên cứu này.
GS.TS. Mai Hồng Bàng - Giám đốc BV TWQĐ 108.
PV: Thưa giáo sư, vì sao bệnh UTGNP luôn được đánh giá là vấn đề thời sự trên thế giới cũng như ở Việt Nam?
GS.TS. Mai Hồng Bàng: Theo Globocan (tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu) năm 2012 công bố thì UTGNP đứng sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tuy nhiên thực tế lâm sàng được các bệnh viện thống kê và thông báo, UTGNP lại đang có xu hướng đứng đầu trong các loại bệnh ung thư và tình hình bệnh UTGNP vẫn đang còn tiếp tục gia tăng.
Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ cao nhiễm vi rútviêm gan B,C là nguyên nhân hàng đầu của bệnh, cho nên bệnh UTGNP đang là điểm nóng. Tính chung trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng gần 1 triệu ca mới mắc và cũng ngần đó ca tử vong do UTGNP. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca mắc mới, tỷ lệ này nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Như vậy có thể nói, UTGNP hiện nay đang là một vấn đề thời sự trên toàn cầu.
PV: Trước tình hình như vậy, thì vấn đề chẩn đoán và điều trị UTGNP ở nước ta như thế nào, thưa GS?
GS.TS. Mai Hồng Bàng: Hiện nay, bệnh UTGNP vẫn đang là một thách thức trong chẩn đoán và điều trị không chỉ ở Việt Nam, cả ở trên thế giới. Trên thế giới, UTGNP phần lớn bệnh nhân vẫn được chẩn đoán muộn và thời gian sống trung bình chỉ khoảng dưới 1 năm sau khi được phát hiện bệnh. Ở Việt Nam, thời gian sống của BN sau phát hiện bệnh chỉ ≤ 6 tháng. UTGNP thường được chẩn đoán muộn do có khả năng tự bù rất lớn và 85 – 90% BN xuất hiện trên bệnh gan mạn tính, xơ gan… nên các triệu chứng lâm sàng bị lu mờ, làm cho BN chủ quan. Khi bản thân người bệnh cảm nhận được mình có bệnh thì đã rơi vào giai đoạn muộn…
Chính từ vấn đề phát hiện bệnh muộn cũng mang đến một thách thức rất lớn trong điều trị. Trở lại khoảng hơn 30 năm về trước, khi chúng tôi còn là sinh viên trong trường y, được học bài về “Chẩn đoán và điều trị UTGNP”, thì chỉ có phần chẩn đoán, phần điều trị còn rất khó khăn. Mặc dù những năm 1950, với phương pháp cắt gan khô nổi tiếng của cố GS.Tôn Thất Tùng đã được thế giới ghi nhận là “Phương pháp Tôn Thất Tùng” trong điều trị UTGNP bằng phẫu thuật. Nhưng vấn đề phẫu thuật gan cho nhóm bệnh nhân UTGNP sau đó vẫn dừng lại. Bởi khi UTGNP phát hiện muộn, sau phẫu thuật vẫn không kéo dài được nhiều thời gian sống cho BN đã làm nản lòng các phẫu thuật viên. Thời kỳ đó cố GS.Tôn Thất Tùng cũng đã đặt ra vấn đề ghép gan, nhưng do điều kiện kinh tế của đất nước, cố giáo sư cũng không thể thực hiện được ước mơ, hoài bão một cách trọn vẹn.
PV: Vừa qua, nhóm các nhà khoa học của BV 108 đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình nghiên cứu “Ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh UTG nguyên phát và một số bệnh lý tiêu hóa gan, mật”. GS có thể chia sẻ về điều này?
Điều trị ung thu biểu mô tế bào gan bằng hóa tắc mạch với hạt vi cầu tải hóa chất tại BV108
GS.TS.Mai Hồng Bàng: Có thể nói, cụm công trình này đã được chúng tôi bắt đầu nghiên cứu từ 29 năm trước (năm 1986), do cố GS.Hà Văn Mạo khởi xướng, đặt vấn đề quan tâm trở lại với điều trị UTGNP bằng các phương pháp can thiệp nội khoa. Dựa vào điều kiện kinh tế của Việt Nam cùng với tiếp cận các phương pháp điều trị trên thế giới, chúng tôi đã lựa chọn phương pháp điều trị mới đầu tiên, đó là tiêm ethanol qua da, hay còn gọi là tiêm cồn tuyệt đối vào khối UTGNP.
Như trên đã nói, tình hình điều trị UTGNP lúc đó còn rất khó khăn, nên các nhà chuyên môn cũng đầy hoài nghi về phương pháp này, mặc dù nó đã được thực hiện trên thế giới từ năm 1983. Tới năm 1990, sau thời gian thực nghiệm trên động vật và có những bằng chứng thuyết phục, biện pháp này được thông qua và những BN đầu tiên đã được điều trị tại BV 108.
Từ năm 1991 đến nay, đã trải qua trên 25 năm và mặc dù đã có nhiều biện pháp điều trị UTGNP hiện đại hơn dần chiếm vị trí thay thế, nhưng nó vẫn là một cách điều trị thời sự trong những trường hợp cụ thể. Vì phương pháp này có thể áp dụng cho những khối u gan nhỏ đặc biệt ở vị trí khó mà các phương pháp hiện đại mới như: đốt nhiệt sóng cao tần, dùng laser… không có cơ hội để tiếp cận được khối u. Hơn nữa, nó đặc biệt phù hợp với điều kiện kinh tế của người Việt Nam. Vì có thể được triển khai tới tận tuyến cơ sở với những điều kiện thực hiện khá đơn giản: Chỉ cần 1 cái kim để tiêm vào gan, cồn tuyệt đối rất rẻ đã có thể sản xuất tại Việt Nam cùng với một máy siêu âm dẫn đường và một đội ngũ chuyên môn được đào tạo là có thể thực hiện được. Thực tế có những bệnh nhân UTGNP kéo dài cuộc sống trên 20 năm bằng biện pháp điều trị này. (BN sống lâu nhất vẫn đang sống là 22 năm, nhiều BN sống 10 – 15 năm).
Đây là bước đi đầu tiên trong vấn đề điều trị UTGNP bằng phương pháp can thiệp qua da đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam tại Bệnh viện 108. Sau đó được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã từng bước áp dụng các biện pháp qua da khác như: Tiêm Axit Axetic đậm đặc vào khối u gan rồi tiếp đến các phương pháp điều trị UTGNP tiên tiến: Đốt nhiệt sóng cao tần các thế hệ từ đơn giản đến hiện đại nhất; Phương pháp can thiệp nội mạch (Tắc mạch cơ học, tắc mạch hóa dầu, tắc mạch hóa chất sử dụng hạt vi cầu DC Beads…)
Đặc biệt, vào năm 2013, lần đầu tiên ở Việt Nam chúng tôi đã ứng dụng phương pháp “Xạ trị chiếu trong chọn lọc” hoặc “Tắc mạch xạ trị” (SIRT) trong điều trị UTGNP. Kỹ thuật này sử dụng dược chất phóng xạ Ytrium 90 (Y90) gắn vào các hạt vi cầu để đưa qua đường động mạch nuôi khối u, đưa trực tiếp vào khối u nhằm tập trung tại chỗ Y90 phóng thích ra tia Bêta với liều chiếu xạ cao. Với tác dụng kép là gây tắc mạch cắt nguồn máu nuôi khối u và phát ra tia bức xạ bêta tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ, đồng thời hạn chế tối đa tổn thương mô gan lành cũng như các cơ quan lân cận. Tới nay, chúng tôi đã thực hiện biện pháp SIRT thành công trên 80 BN UTGNP đã thu được kết quả đáng khích lệ và không thấy những biến chứng hoặc tác dụng phụ nguy hiểm.
Điều trị ung thư biểu mô gan bằng tắc mạch xạ trị tại BV 108
Song hành với đó, khoa ngoại BV 108 cũng ứng dụng những phương pháp phẫu thuật mới nhằm giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong… Năm 2017 này, chúng tôi sẽ thực hiện những ca ghép gan đầu tiên tại Bệnh viện. Hiện nay chúng tôi đã có đủ điều kiện để thực hiện ghép gan. Nghĩa là với điều trị UTGNP thì BV108 có đầy đủ, đồng bộ và toàn diện các phương pháp tiên tiến hiện nay trên thế giới.
PV: GS hãy nói kỹ hơn về phương pháp SIRT. Cụ thể là nó được chỉ định cho đối tượng BN nào và mang lại những ưu việt gì?
Đây là biện pháp phóng xạ đích trong điều trị UTGNP giai đoạn tiến triển,giai đoạn trung gian hoặc dùng điều trị thay cho các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.Theo phân loại Barcelona, thì UTGNP chia làm 4 giai đoạn: a, b, c,d. Giai đoạn sớm (a) có thể được điều trị triệt căn bằng các biện pháp: phẫu thuật, ghép gan, tiêm cồn, đốt nhiệt cao tần. Giai đoạn tiến triển (b), biện pháp điều trị thích hợp là TACE, hay còn gọi là can thiệp tắc mạch bằng hóa chất. Nếu BN không đáp ứng với TACE, sẽ được chỉ định dùng thuốc điều trị đích sorafenib (biệt dược là Nexavar). Giai đoạnc, BN được sử dụng thuốc Nexavar. Giai đoạn d chỉ còn là chăm sóc giảm nhẹ và không nên điều trị bằng biện pháp nào. Chỉ định của SIRT dành cho BN được phát hiện ở giai đoạn b khi không đáp ứng điều trị bằng TACE. So với dùng thuốc sorafenib, thì chi phí điều trị bằng SIRT chưa đến một nửa. Hơn nữa, trước đây, BN bị UTGNP muốn điều trị bằng phương pháp này phải ra nước ngoài điều trị với chi phí rất tốn kém. Trong khi đó, chi phí cho thực hiện kỹ thuật điều trị này ở BV108 cũng giảm hơn một nửa so với việc điều trị ở nước ngoài. Ngoài ra, đối với nhóm BN ởgiai đoạn c, khi có di căn trong gan có xâm lấn mạch máu kể cả có huyết khối tĩnh mạch cửa thì ngoài điều trị bằng Nexavar, thì hiện nay đã có thêm một lựa chọn mới là SIRT - mang lại hiệu quả tiêu hủy khối u rất cao.
Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều chiếu xạ cao tại khối u trong khi các tổ chức lành xung quanh chịu liều chiếu xạ thấp, vì thế ít gây ra các tác dụng phụ, giảm biến chứng điều trị. Người bệnh sau khi điều trị có thể ra viện ngay ngày hôm sau. Bằng phương pháp điều trị này không chỉ mang lại lợi ích cho các BNUTG nguyên phát không còn khả năng phẫu thuật mà còn cho cả các BN ung thư gan thứ phát (di căn từ loại ung thư khác vào gan).
Tuy nhiên, SIRT là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi có đội ngũ chuyên môn kỹ thuật cao với các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên ngành: Nội tiêu hóa; Y học hạt nhân;Can thiệp mạch;Chẩn đoán hình ảnh;Giải phẫu bệnh;Huyết học và Ung thư... Do đó, phương pháp này chỉ có thể thực hiện tại bệnh viện trung ương hoặc những bệnh viện lớn và chi phí vẫn còn khá cao.
PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!