Hà Nội

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từ lời hứa “khùng” đến người hùng không thích hào quang

30-01-2017 08:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Phía sau một người hùng lập kỳ tích lịch sử tại Olympic 2016, trở thành nội dung được người Việt Nam tìm kiếm thứ 8 trên google trong năm...

Phía sau một người hùng lập kỳ tích lịch sử tại Olympic 2016, trở thành nội dung được người Việt Nam tìm kiếm thứ 8 trên google trong năm, liên tiếp xuất hiện tại các sự kiện đình đám, là một Hoàng Xuân Vinh luôn xác định mình không phải là “sao”, không muốn làm “sao”. Với vị Đại tá quân đội, cuộc sống và công việc vẫn xoay quanh thể thao và bắn súng với sự trầm lặng, bình dị và sâu sắc của một xạ thủ, người lính điển hình. Thậm chí, giấc mơ mà anh đang đau đáu cũng dành cho cả bắn súng: một trường bắn đạt chuẩn quốc tế và một tấm HCV ASIAD.

Từ lời hứa “khùng” tới kỳ tích “khủng”

Kết thúc ASIAD 2010, đúng thời điểm Xuân Vinh vừa để vuột HCV sau viên đạn cuối để súng cướp cò, HLV Nguyễn Thị Nhung đã khiến tất cả phải choáng khi tuyên bố chắc nịch Xuân Vinh và bắn súng Việt Nam sẽ có huy chương Olympic. Một số người còn cho rằng bà Nhung bị “khùng”. Tuy nhiên, bà Nhung không hề “khùng” bởi chỉ có thầy trò Xuân Vinh mới hiểu rằng nhìn sâu về mặt chuyên môn, chứng tỏ rằng Vinh thực sự có khả năng và đã ở rất gần nhóm đầu châu Á. Vấn đề nằm ở tâm lý thi đấu, sự ổn định ở mức cao. Và họ lao vào một “chiến dịch” đầy thách thức với cách làm rất riêng và mới. Từ việc dành ít nhất một nửa số kinh phí 200.000 USD/năm cả môn được cấp cho Vinh cùng một vài đồng đội ở tổ súng ngắn. Rồi họ chủ động và nỗ lực liên hệ để Hàn Quốc hỗ trợ về tập huấn, chuyên gia với mức chi phí ưu tiên đặc biệt. Nhờ thế, mỗi năm Vinh có thể sang xứ Hàn rèn giũa 3 tháng theo các đợt, được thi đấu 7-10 giải quốc tế tầm cao. Còn bản thân Vinh cũng khổ luyện tới tận cùng trong nỗ lực làm mới và nâng tầm mình. Chuyện đơn giản nhất như cách nín thở hay lớn hơn như cách tập những bài tập chuyên sâu và mấu chốt nhất như cách tiếp cận và phương án thi đấu cho mỗi giải đấu.Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong phòng tập.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong phòng tập.

Bản thân Xuân Vinh đã làm việc cật lực với một niềm tin sắt đá, bất chấp những khó khăn và áp lực bủa vây. Năm nào đội tuyển quốc gia bắn súng, cụ thể là trường hợp của Vinh cũng bị “chất vấn” từ một vài nhà lãnh đạo hay các môn khác về việc sao đặt chỉ tiêu “liều” thế, sao trong danh sách tuyển thủ trọng điểm lại nhiều xạ thủ hơn, sao số tiền mua súng đạn lại chiếm tới một nửa tiền chi cho trang thiết bị dụng cụ của mấy chục đội tuyển… Cuối cùng, anh đã tạo nên cuộc “bùng nổ” khó tin tại Olympic 2016 để giành kỳ tích lịch sử 1 HCV, 1 HCB kèm theo 1 kỷ lục theo cách không thể ngoạn mục và thuyết phục hơn.

Người hùng không thích ánh hào quang

Sau Olympic, vị Đại tá quân đội khiến giới chuyên môn cùng người hâm mộ cả nước nể phục và yêu mến không chỉ vì kỳ tích hay độ “hot” đang vượt cả ca sĩ, người mẫu hàng đầu mà còn bởi cách tiếp cận, ứng xử và hành động giản dị mà sâu sắc của anh sau đó.

Xuân Vinh đã chủ động xin phép  không nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, thay vào đó, anh bày tỏ ước muốn danh hiệu cao quý đó được trao cho ngành thể thao. Đơn giản anh hiểu rằng, chiến tích xuất sắc của mình cũng là thành quả chung của cả thể thao Việt Nam. Việc cả ngành nhận phần thưởng sẽ là một cú “hích” cho phong trào chung. Anh cũng từ chối việc Hà Nội đặc cách vinh danh anh là công dân Thủ đô tiêu biểu của năm, đơn giản vì mình là người Quảng Trị, đã được quê hương tôn vinh và nên dành nó cho những gương mặt ưu tú ở những ngành, nghề khác.

Trở về từ Brazil sau thành quả phi thường, Xuân Vinh xuất hiện liên tục tại các sự kiện trong và ngoài ngành thể thao với số lượng lên tới hàng trăm chỉ trong vài tháng dù đã từ chối rất nhiều. Người khác có thể cố tình hay vô tình trở thành “sao”, song với Xuân Vinh, không có gì thay đổi. Anh tham gia các sự kiện, đơn giản vì muốn truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là giới trẻ, cũng như muốn qua đó quảng bá cho ngành thể thao cùng môn bắn súng hãy còn quá nhiều khó khăn. Nhờ thành công đặc biệt tại Olympic, anh cũng nhận được cả vài tỷ đồng tiền thưởng từ các nguồn khác nhau, song xạ thủ 42 tuổi dường như lại chẳng mấy quan tâm. Anh gần như không tiêu pha gì đáng kể cho bản thân mình và gia đình. Thay vào đó, anh lặng lẽ cùng HLV Nguyễn Thị Nhung trích tiền thưởng lập nên Quỹ từ thiện “Vinh quang và sự biết ơn” hay triển khai chương trình “Nồi cháo nhân ái” rồi trực tiếp đi tới các nơi thăm, động viên, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, bệnh nhi ung thư, người già neo đơn…

Với Vinh, mọi chuyện kể trên đều hết sức tự nhiên, nhẹ nhàng chứ không “lên gân lên cốt” một chút nào. Chính hoàn cảnh của một người đã mồ côi mẹ tới hai lần cùng môi trường quân đội đã rèn cho Vinh phẩm chất không lùi bước, không bao giờ được đổ lỗi cho khách quan hay nản lòng trước gian khó. Và cũng chính gốc rễ ấy giúp anh giữ được sự bình thản, chủ động trước ánh hào quang tưởng như choáng ngợp. Xuân Vinh luôn cho rằng mình không phải là “sao” và không muốn làm “sao”. Cuộc sống và công việc của Vinh vẫn là của một xạ thủ quân đội điển hình.

Còn bắn để “phục thù” bằng được tấm HCV ASIAD

Sau Olympic, nhiều người rất quan tâm đến chuyện Xuân Vinh không tranh tài ở một số cuộc đấu gần đây, kể cả giải quốc tế, với băn khoăn phải chăng động lực của anh giảm sút hay đã tính đến chuyện giải nghệ.

Tuy nhiên, như Vinh khẳng định chắc nịch thì việc mình không tham dự một số cuộc đấu như giải vô địch quốc gia hay vô địch Đông Nam Á một phần vì đây là khoảng “hồi phục” cần thiết, phần quan trọng hơn bởi anh còn có những kế hoạch lớn khác, tất nhiên vẫn xoay quanh môn bắn súng. Anh đang sẵn sàng cho hành trình chinh phục mới với rất nhiều mục tiêu đỉnh cao phía trước, ví như SEA Games ngay năm nay hay ASIAD vào năm tới, rồi xa hơn là Olympic 2020.

Trong đó, có thể thấy Xuân Vinh đang khát khao cháy bỏng cho một cuộc “phục thù” một tấm HCV tại ASIAD trên đất Indonesia vào 2018. Đơn giản vì qua 6 kỳ SEA Games, lần nào Vinh cũng đoạt ít nhất 1 HCV. Với Olympic, Vinh cũng đã có 1 HCV, 1 HCB kèm 1 kỷ lục. Chỉ riêng ASIAD, xạ thủ quân đội chưa thành công, cho dù có nhiều cơ hội.

Đến giấc mơ cũng hướng về… bắn súng

Có tới cả chục lần, tại nhiều dịp khác nhau, trong nhiều năm, Xuân Vinh với tư cách là một tuyển thủ từng gắn bó với trường bắn Nhổn 17 năm đã giãi bày về nỗi niềm đau đáu chung của những người làm bắn súng Việt, với mong muốn có sự thay đổi, dù hiểu rằng rất khó. Để xây dựng trường bắn mới đòi hỏi tới hàng trăm tỷ đồng và để nâng cấp, đơn cử trang bị một hệ thống bia điện tử thay cho bia giấy, cũng phải tốn vài chục tỷ.

Ngay sau kỳ tích trên đỉnh Olympic, Xuân Vinh lại đề cập đến câu chuyện trường bắn theo một cách rất khác. Anh nói lên ý tưởng về một trường bắn hiện đại, một CLB bắn súng mà trong đó có thể anh sẽ đóng một vai trò trực tiếp và quan trọng. Thậm chí, Xuân Vinh tiết lộ mình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số doanh nghiệp cũng như đang tích cực triển khai một kế hoạch riêng mà rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền. Xạ thủ khoác áo lính hiểu rằng để có một mẫu hình mới như vậy là rất khó khăn, tốn kém, cũng chưa biết có thể hoàn thành như thế nào, song anh tin rằng mình sẽ làm được. Đúng như lời của HLV Nguyễn Thị Nhung: “Đến giấc mơ, Vinh cũng hướng về bắn súng”.

Có lẽ Xuân Vinh càng có thêm động lực, niềm tin và cả trách nhiệm để tham gia hiện thực hóa giấc mơ về một trường bắn chuẩn quốc tế khi anh vừa được bầu vào Thường vụ Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ mới.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn