Mỹ treo cờ rủ bày tỏ sự tiếc thương các nạn nhân trong vụ xả súng
Đây là số liệu cập nhật mới nhất do Bộ An ninh công cộng bang cung cấp. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu đây có phải là con số thương vong cuối cùng trong vụ thảm sát này hay không.
Thủ phạm đã được xác định là Salvador Ramos, 18 tuổi, học sinh hoặc cựu học sinh của trường phổ thông trung học Uvalde. Lực lượng an ninh đã tiêu diệt đối tượng tại chỗ.
Được biết, Romas đã bắn bà của hắn trước khi xả súng bừa bãi vào trường tiểu học Robb. Hai nhân viên bảo vệ pháp luật bị bắn nhưng khả năng không gặp nguy hiểm. Theo điều tra ban đầu, có vẻ như hung thủ hành động một mình. Nghi phạm xả súng được cho là đã mang súng thực hiện vụ tấn công.
Đây là vụ xả súng tại một trường tiểu học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ vụ tấn công tại Connecticut hồi năm 2012, cướp đi sinh mạng của 26 người, trong đó có 20 trẻ em.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về thảm kịch trên. Nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu treo cờ rủ tại Nhà Trắng, các tòa nhà công vụ liên bang.... nhằm bày tỏ sự tiếc thương các nạn nhân.
Lại dấy lên hồi chuông cảnh báo về những thảm kịch do súng tại Mỹ
Tổng thống Biden, ngay sau đó, đã kêu gọi những hạn chế mới đối với vũ khí. "Chúng ta phải hành động" - ông Biden phát biểu. Liên quan đến luật kiểm soát súng, Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lập pháp "biến nỗi đau này thành hành động" khi ông điểm qua một số vụ xả súng hàng loạt kể từ vụ xả súng năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, khi ông còn là phó tổng thống. "Tại sao chúng ta cứ để điều này xảy ra?", vị tổng thống đặt câu hỏi.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã lên án vụ xả súng, nhấn mạnh vụ tấn công một lần nữa nhắc nhở giới chức cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tái diễn thảm kịch tương tự.
Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy lên tiếng: "Ngày càng có nhiều vụ xả súng hàng loạt. Những đứa trẻ của chúng ta đang sống trong sợ hãi. Mỗi khi bước chân vào lớp học, chúng lại có thể trở thành nạn nhân tiếp theo. Chúng ta đang làm gì? Chúng ta dành thời gian chạy đua vào vị trí này để làm gì? Lý do gì khiến chúng ta vượt qua mọi rắc rối khi làm công việc này, để đặt mình ở vị trí có thẩm quyền là gì. Nếu câu trả lời là vào lúc vụ giết người hàng loạt này đang diễn ra, lúc bọn trẻ bỏ chạy để sống sót, chúng ta đã không làm được gì cả? Chúng ta đang làm gì? Tại sao chúng ta lại ở đây?"
Ông Murphy khẳng định những thảm kịch do súng "không phải không thể tránh khỏi", rằng những đứa trẻ "không phải là kém may mắn".
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, hôm 24/5, cũng lên án vụ xả súng tại trường tiểu học ở Texas và chia buồn với gia đình các nạn nhân. Ông Obama nói rằng nước Mỹ "đã bị tê liệt, không phải vì sợ hãi", mà bởi những người ủng hộ sở hữu súng và một đảng chính trị không sẵn sàng hành động theo bất kỳ cách nào để ngăn chặn những thảm kịch này.
Trên Twitter, cựu Tổng thống Bill Clinton kêu gọi hành động. "Chúng ta nợ những gia đình này và những gia đình đã trải qua những mất mát tương tự. Đã quá đủ rồi", ông Bill Clinton nhấn mạnh.
Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng lên tiếng sau vụ xả súng chết người này. "Sau nhiều năm không có gì thay đổi, chúng ta đang trở thành một quốc gia của những tiếng la hét đầy đau khổ. Chúng ta cần các nhà lập pháp sẵn sàng ngăn chặn thảm họa bạo lực súng đạn, điều đang giết hại con em chúng ta. Suy nghĩ và cầu nguyện là không đủ" - bà Clinton cho hay sau khi được báo cáo về vụ xả súng trên.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland gọi vụ xả súng này là một "hành động bạo lực tồi tệ". "Chúng tôi cùng người dân Mỹ tiếc thương cho mất mát khủng khiếp và quyết tâm chấm dứt bạo lực vô nghĩa này" – ông Garland khẳng định.