Cứ đến độ cuối thu, mùa bão qua, lúc trời se se lạnh, ở vùng cửa sông Phả Lại, phía Lục Đầu Giang, người ta đi vớt rươi rồi kĩu kịt gánh lên chợ tỉnh bán. Chợ Nhớn (thị xã Bắc Ninh) đậu kín hàng rươi. Rươi không bán cân như ở Hà Nội bây giờ mà đong từng bát nhỏ. Mẹ tôi thường ra chợ chọn hàng rươi “tươi” nhất mới chịu mua. Mùa thu qua nhanh và cũng chỉ đọng lại mấy ngày rươi, mẹ tôi cho các con ăn thoải mái. Món chả rươi anh em tôi thích nhất... Mẹ tôi rất kĩ khi làm “lông rươi”, rồi trộn lẫn lòng trứng, đánh đều cho quyện. Cái món chả rươi này nếu thiếu “cái anh” quýt ta vỏ mỏng, thì là xanh mướt và hành hoa tươi mởn làm gia vị coi như mất hẳn cái hương vị thật độc đáo của nó. Mẹ tôi gạn chút mỡ lợn đun sôi và đổ rươi vào rán thì không có hương vị nào hấp dẫn hơn (cứ gọi là thơm điếc mũi). Nhà tôi vốn đông anh em nên đĩa rươi mẹ bưng lên chỉ loáng cái đã hết nhẵn. Nhiều khi bố mẹ tôi ngồi nhìn các con ăn, im lặng với nét cười hiền. Kể cái món chả rươi cũng lạ, nó không ngấy không béo và dư vị để lại trên đầu lưỡi thật lâu. Mẹ tôi còn kể khi pha chế chớ cho vỏ quýt và thì là quá nhiều, dễ lấn át và không “nổi” vị rươi lên. Dư vị món chả rươi của mẹ tôi làm thuở ấy còn đọng mãi... đến tận bây giờ.
Cố vớt mấy ngày thu muộn, tôi rủ mấy anh bạn văn nghệ ra ngõ Hàng Hương (Hà Nội) uống bia chơi. Khi cô chủ quán “xướng” lên có chả rươi, tôi mừng lắm. Cũng chẳng mong có rươi “tươi” nhưng cứ ăn cho đỡ thèm. Thật không ngờ chẳng thấy vị rươi đâu mà món này “na ná như rươi”, vừa tanh vừa lạnh pha lẫn mùi gia vị ôi, xâm chiếm tôi gây cảm giác khó chịu. Nhìn nắng thu xao động vòm lá và gió thổi lướt mặt đường, tôi thở dài đành tự an ủi: “Chẳng cái gì tồn tại mãi đâu. Họa chăng chỉ còn trong ký ức - một ký ức thật đẹp và không bao giờ quay trở lại”...