Xa quê, nhớ Tết diệt sâu bọ và nồi cơm rượu của mẹ

02-06-2014 08:54 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đến ngày Tết Đoan Ngọ, còn gọi là tết nửa năm, ở nơi xứ xa tôi lại chạnh lòng nhớ bố mẹ, ông bà, nhớ làng quê vùng đồng chiêm trũng với không khí rộn ràng của ngày Mùng Năm, nơi đầy ắp tiếng cười tuổi thơ đi qua.

Đến ngày Tết Đoan Ngọ, còn gọi là tết nửa năm, ở nơi xứ xa tôi lại chạnh lòng nhớ bố mẹ, ông bà, nhớ làng quê vùng đồng chiêm trũng với không khí rộn ràng của ngày Mùng Năm, nơi đầy ắp tiếng cười tuổi thơ đi qua.

Tôi lại nhớ lắm nồi “cơm ủ” của mẹ, lại thèm một chén cơm rượu của quê nhà… Tết Đoan Ngọ là Tết truyền thống tại Việt Nam cũng như một số nước Đông Á cũng thiêng liêng như lễ mừng năm mới, đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng của đất trời.

Đã tồn tại từ rất lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá dân gian Việt Nam, Tết này còn là ngày lễ thể hiện tính nhân văn giữa người với người, sự biết ơn của con cháu với ông bà, cha mẹ, người thân... Ở Việt Nam, dân gian còn gọi Tết này là Tết giết sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng.

Nguyên liệu nếp và men làm nên món cơm rượu.
Nguyên liệu nếp và men làm nên món cơm rượu.

Còn nhớ những năm tháng tuổi thơ, tôi thường quanh quẩn bên mẹ, xem mẹ chuẩn bị những món ăn cho ngày Tết Đoan Ngọ, ngày mà chị em tôi đứa nào cũng háo hức và chờ đợi cả năm.

Nhớ dáng mẹ trước đó mấy ngày, tất bật thổi xôi làm cơm rượu, chuẩn bị món cho bố con tôi ăn vào đúng sáng mùng năm, trước khi bước chân xuống khỏi giường, với niềm tin là hễ sáng sớm khi bụng đói mà ăn những món của ngày mùng năm đặc biệt là cơm rượu thì sẽ diệt được sâu bọ trong người.

Xôi nếp nấu chín để nguội, rây men cho đều và ủ kín.
Xôi nếp nấu chín để nguội, rây men cho đều và ủ kín.

Ngày còn bé tôi đã rất thích món ăn này, để có được những chén cơm rượu thơm ngon ngọt không đòi hỏi nhiều công đoạn vất vả, nhọc nhằn, nhưng lại cần sự khéo léo và tinh tế của người làm bếp.

Món ăn mang đậm hương vị quê hương trong ngày mùng năm, với bao tình cảm yêu thương của mẹ gói ghém dành trọn trong đó. Được ăn cơm rượu trong tiết giao mùa mới biết thế nào là hương thơm nồng nàn của sản vật nông nghiệp trong nền văn minh lúa nước. Đặc biệt là ở nông thôn, là nơi hầu hết mọi người gắn bó với ruộng đồng qua canh tác và chăn nuôi quanh năm vất vả, nhọc nhằn.

Sau 2 ngày nồi cơm rượu bắt đầu lên men.
Sau 2 ngày, nồi cơm rượu bắt đầu lên men.

Làng tôi cũng như bao làng quê nông thôn khác ở vùng Miền Đông Nam Bộ. Nhà tôi nhỏ bé giữa một vườn cây trái. Bố mẹ tôi không những chăm nom săn sóc chu đáo đàn con thơ bé khôn lớn từng ngày, quanh năm vất vả khó nhọc với bao công việc đồng áng, ruộng rẫy mà còn chăm chút từng vườn rau, ao cá, cây trái trong vườn.

Tuổi thơ chị em tôi qua đi đong đầy ăm ắp trong những kỷ niệm. Để giờ đây khi xa quê hương, sắp đến ngày “mùng năm”, ngày tết truyền thống quê nhà, bỗng dưng tôi cảm thấy nhớ “đủ thứ”… Bao nhiêu ký ức tưởng chừng đã “im ắng” từ lâu, nay bỗng chổi dậy ùa về “dâng tràn” trong tâm trí.

Tôi nhớ da diết làng quê nghèo nơi chôn rau cắt rốn, nơi tôi sinh ra và lớn lên, chứng kiến biết bao khoảnh khắc thiêng liêng bên gia đình, người thân … Ở quê tôi năm nào cũng thế, ngoài Tết Nguyên Đán còn có Tết Đoan Ngọ là ngày các thành viên trong gia đình lại được chiêm nghiệm niềm vui, sự ấm cúng của gia đình, cùng nhau làm cỗ cúng tổ tiên, xum vầy bên mâm lễ chuyện trò vui vẻ, với nhiều món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương.

Hũ rượu thuốc và cơm rượu ăn trong ngày Mùng Năm để diệt sâu bọ.
Hũ rượu thuốc và cơm rượu ăn trong ngày "giết sâu bọ".

Ăn Tết Đoan Ngọ của người Việt là nét văn hoá ẩm thực đã có từ lâu đời, cho dù hoàn cảnh khó khăn bần hàn hay khá giả giàu sang cũng không thể bỏ qua tục lệ này, vì nó đã gieo mầm yêu thương và thể hiện nét đẹp truyền thống của mỗi gia đình, quê hương bản quán. Ở quê tôi hình như phong tục này còn là ngày vui, đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người từ thời còn thơ ấu!

Ngược dòng thời gian, theo quan niệm của dân gian, trong ngày tết diệt sâu bọ này, để diệt sâu bọ, cơm rượu (rượu nếp) là món ăn phổ biến từ Nam ra Bắc đều được sử dụng trong ngày này. Sự kết hợp giữa xôi nếp và men trong quá trình ủ đã tạo ra hương vị thơm ngọt, chất đường tăng lên làm cho tính chất bổ dưỡng của món này cũng tăng lên, nhai chầm chậm để tận hưởng vị thơm ngọt, đậm đà mang đậm sắc thái đặc trưng. Cơm rượu có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, làm ấm cơ thể, trừ đàm, thăng khí giúp tinh thần vui vẻ, phấn chấn.

Cơm rượu được chế biến như nấu xôi. Gạo nếp sau khi chín, trải đều ra mâm hay khuôn và để nguội, không được quá nóng men rượu sẽ bị chết không thể lên men. Dùng một cái “rây” lỗ nhỏ, cho men rượu đã giã mịn vào và rây một lớp men lên bề mặt xôi. Tiếp tục lật ngược bề mặt xôi bên dưới, rây một lớp men mỏng, sau đó cho vào nồi hoặc “thẩu” ủ kín khoảng 3 ngày. Sau khi cơm rượu lên men, bắt đầu ứa nước là đem ra ăn được.

Ngoài món cơm rượu vào ngày mùng năm, dân gian ta còn có những món ăn khác, như trái cây, chè trôi nước, chè đậu đen, bánh tro, xôi vò, … Tất cả những món ăn này đều rất đậm đà hồn Việt.

Dù bây giờ muốn ăn món gì, chỉ cần ra chợ mua là có. Nhưng, với những người lớn tuổi thường tự tay làm các món ở nhà, nhất là món cơm rượu, để tạo không khí gia đình ám cúng và cũng để con cháu gìn giữ truyền thống, phong tục. Đã là thói quen thì cái gì tốt mà không hại người “ắt” ta sẽ trân trọng và làm theo.

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, có lẽ phong tục xưa nay được người ta chú ý nhất là tục “lễ sêu” - một tục lệ mang đầy tính nhân văn của con người. Con cháu với ông bà, cha mẹ, người bệnh với thày thuốc, học trò với thày giáo…

Con cái dù ở gần gũi hay xa xôi, đều phải nhớ đến cha mẹ, ông bà, nếu ở quá xa không thể về thăm được thì xin gửi một tình cảm nhỏ bé thân thương bằng một cuộc gọi chúc sức khỏe, bày tỏ tình yêu, nỗi nhớ qua những cánh thư, ở gần thì một chút quà nhỏ, cây trái trong vườn hoặc hoa màu ruộng đất tự mình làm ra … Chỉ cần có thế thôi, cũng đủ đem lại nụ cười ấm áp và niềm vui cho các bậc sinh thành và truyền cho con cháu sự gắn kết với dòng họ.

Ở mãi xứ trời tây xa xôi, xã hội toàn thương mại, cái gì cũng sẵn, nhưng lúc nào đầu óc con người cũng căng như sợi dây đàn vì áp lực công việc, mưu sinh, ít ai có thời gian mà ngắm cỏ cây hay sự thay đổi của thời tiết, nên cũng không cần nghĩ tới Tết diệt sâu bọ như ở quê nhà. Âu cũng là do tập tục sống mỗi nơi mỗi khác, đến lịch ta (lịch âm) cũng chẳng có thì mấy ai còn nhớ đến ngày Tết mùng năm.

Mặc dầu phải xa xứ mưu sinh trên đất khách quê người, nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến ngày tết quê tôi, dân tộc tôi bằng sự trân trọng thiêng liêng với một tình yêu và nỗi nhớ ngập tràn trong tim.

 

 


Ý kiến của bạn