Xả lũ và tính mạng của người dân

03-12-2013 07:56 | Xã hội
google news

Chúng ta đang bằng mọi giá chạy theo một tốc độ tăng trưởng không phù hợp với cái chúng ta thực có. Có ai cân nhắc đến những thiệt hại do lũ lụt gây ra khi phê duyệt đề án không?

Chúng ta đang bằng mọi giá chạy theo một tốc độ tăng trưởng không phù hợp với cái chúng ta thực có. Có ai cân nhắc đến những thiệt hại do lũ lụt gây ra khi phê duyệt đề án không? Có ai nghĩ đến và thực hiện việc điều hành xả lũ như thế nào cho người dân không bị thiệt hại không? Hay là tính mạng, tài sản của người dân không đáng phải được bảo vệ bằng tài sản của các chủ đầu tư thủy điện?
Cho đến bây giờ, rõ ràng là lũ dữ đã gây thiệt hại cho chúng ta nặng nề hơn nhiều so với bão, kể cả bão Haiyan. Trong nhiều nguyên nhân gây ra lũ dữ, phá rừng đầu nguồn là một trong những gây nên tình trạng này. Bên cạnh đó là việc quy hoạch thủy điện. Nhân tai đã vượt lên trên thiên tai về mức độ phá hoại. Tràn ngập trên các trang mạng là các thông tin về hồ thủy điện xả lũ.
Cho đến hiện nay, chúng ta vẫn còn phải chịu cảnh cắt điện luân phiên do thiếu điện, gây ra bao nhiêu khó khăn cho nền kinh tế vốn đang còn rất èo uột của chúng ta. Việc tạo ra các nguồn điện để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế là nhiệm vụ vừa quan trọng, vừa cấp bách. Đã có nhiều dự án, nhiều công trình nghiên cứu và nhiều nguồn cung cấp điện được tính đến như nhiệt điện, phong điện, quang điện, điện hạt nhân… nhưng rẻ tiền và sẵn nhất vẫn là thủy điện.
Xả lũ và tính mạng của người dân 1
Ảnh minh họa.
Ở đất nước mà một bên là núi, một bên là biển và lượng mưa nhiều như chúng ta thì thủy điện là thứ dễ làm nhất, nhanh mang lại điện cũng như mau chóng mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư nhất. Chí phí cho thủy điện rẻ nhất là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư lao vào xây dựng thủy điện. Và chính phủ cũng sẵn sàng chấp nhận cho các nhà đầu tư lao vào lĩnh vực này một cách ồ ạt. Đến gần đây, khi mà các hậu quả tiêu cực của thủy điện bắt đầu phát huy tác dụng thì Quốc hội mới bắt đầu can thiệp vào, hàng loại dự án thủy điện bị đề nghị hủy bỏ, hàng loạt các dự án khác cũng đang được xem xét. Tuy nhiên, chưa biết kết quả của việc can thiệp của Quốc hội đến đâu nhưng các tác dụng tiêu cực của thủy điện đã bắt đầu bộc lộ một cách tàn khốc.
Rõ ràng là thủy điện vô cùng nguy hiểm, thủy điện là một hiểm họa hiển nhiên! Cần phải dẹp bỏ thủy điện, cần phải phá bỏ các nhà máy thủy điện, mau chóng đưa núi rừng về lại với trạng thái ban đầu?
Thực ra thì thủy điện tiềm tàng một khả năng gây tai họa lớn cho môi trường nhưng mối nguy hiểm thực sự đang nằm trong cách điều hành toàn bộ quá trình xây dựng thủy điện từ đề án tổng thể, lập dự án, phê duyệt, xây dựng và vận hành, từ công tác điều phối cấp điện, xả lũ và đủ thứ, thuộc về quản lí nhà nước, và quan trọng nhất là từ tư duy của các cán bộ lãnh đạo ngành điện cũng như các cấp cao hơn.
Chúng ta đang bằng mọi giá chạy theo một tốc độ tăng trưởng không phù hợp với cái chúng ta thực có. Có ai cân nhắc đến những thiệt hại do lũ lụt gây ra khi phê duyệt đề án không? Có ai nghĩ đến và thực hiện việc điều hành xả lũ như thế nào cho người dân không bị thiệt hại không? Hay là tính mạng, tài sản của người dân không đáng phải được bảo vệ bằng tài sản của các chủ đầu tư thủy điện? Các nhà điều hành có thực sự coi sự an toàn của người dân là quan trọng trong sự nghiệp công bộc của mình không?
Hiện nay, nhiều cán bộ lãnh đạo của chúng ta được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp tại các trường có tên tuổi lớn trên thế giới. So với các bậc tiền bối, họ có trình độ hơn nhiều. Thế nhưng cái tâm của họ có đủ để quyết định những việc liên quan tới tính mạng, tài sản của người dân hay không lại là một việc khác. Họ học được cái gì trong các ngôi trường danh tiếng đó? Họ có thực sự nghĩ đến người dân, nghĩ đến đất nước này, dân tộc này khi quyết định những việc trực tiếp liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân hay không? Họ có đứng về phía đa số những người dân hay đứng về phía quyền lợi của một số nhà đầu tư giàu có?
Cuối cùng thì cũng lại là vấn đề “lãnh đạo đức”, vấn đề tiên quyết trong mọi vấn đề. Các bạn cứ kêu ca, cứ đau xót, cứ cứu trợ… Nếu không giải quyết được vấn đề này thì cứ “đến hẹn lại lên”, năm sau nhiều hơn năm trước, khốc liệt hơn năm trước. Nếu Quốc hội và những cán bộ lãnh đạo có tâm còn lại không đứng ra, không quyết liệt thì câu chuyện này sẽ vẫn mãi mãi tiếp diễn, ngày một khốc liệt thêm mà thôi.
Võ Xuân Sơn
Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

Ý kiến của bạn