Xa khơi - Một trong những bài hát hay nhất của âm nhạc hiện đại Việt Nam những năm đấu tranh thống nhất đất nước. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ thật khéo léo khi sử dụng âm hưởng dân gian kết hợp với kỹ thuật hiện đại để viết nên một tuyệt tác về biển hay đến kỳ diệu.
Nguyễn Tài Tuệ đưa vào Xa khơi ba cao trào đòi hỏi ca sĩ phải có trình độ đại học về thanh nhạc mới thể hiện được. Tác phẩm này được đánh giá là một ca khúc chuẩn mực về âm nhạc, với giai điệu đẹp và phát triển một cách hợp lý, lời ca giàu tính văn học, giàu cảm xúc, khúc thức gọn gàng, chặt chẽ, cấu trúc khoa học. Xa khơi được Nguyễn Tài Tuệ viết... trong 8 tháng.
Tiếng hát của nghệ sĩ Tân Nhân đã thổi hồn vào từng âm tiết của lời ca trập trùng như sóng đuổi khiến người nghe sững sờ. Cho đến nay, Tân Nhân vẫn là ca sĩ thể hiện bài hát này thành công nhất, hay nhất kể từ khi tác phẩm ra đời. Các ca sĩ chuyên nghiệp thời ấy đều mơ mình thể hiện thành công bài hát này như một cái ngưỡng đánh giá tài năng nghệ thuật. Và không ít ca sĩ nổi tiếng đã say sưa hát Xa khơi như Lê Dung, Thanh Huyền, Tường Vi. Ngay cả bây giờ, không phải ca sĩ nổi tiếng nào cũng có thể hát được Xa khơi. Theo tác giả đánh giá, hiện nay ca sĩ hát hay nhất là Anh Thơ (đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình Hà Nội năm 1998 với Xa khơi). Mỗi khi Anh Thơ cất lên tiếng hát: “Nắng tỏa chiều nay/ Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi/ Gió lộng buồm mây ươm chân trời/ Biển lặng sóng thuyền em dong khơi/ Khoan giọng hò thương anh cách vời..., thì người nghe lại thấy dạt dào, xao xuyến...
Tất cả mọi chỗ nhả chữ, buông câu, luyến láy đều được Anh Thơ thể hiện thành công và rất có hồn. Sở dĩ Anh Thơ hát Xa khơi hay đến thế là vì chị đọc được ý đồ của tác giả để vận dụng vào thanh nhạc một cách khoa học, diễn đạt được “ý tại ngôn ngoại” ẩn đằng sau âm nhạc, cũng như thể hiện được cái hồn của bản nhạc. Có lẽ cũng bởi Anh Thơ luôn “lặn lội” đến nhà tác giả để luyện bằng được bài hát này. Được tác giả chỉnh sửa từng li từng tí và phải tự mình khổ luyện trong suốt mấy năm trời Anh Thơ mới diễn tả được hết sự giao hòa giữa cái ảo và thực của tác phẩm.
Nguyễn Tài Tuệ sáng tác ca khúc này vào năm 1961, trong chuyến đi thực tế của đoàn văn nghệ sĩ tới khu vực cầu Hiền Lương. Ông kể: Chúng tôi sống ở bên này sông Bến Hải hàng tháng trời. Lúc đó, khó khăn chồng chất, đất nước bị chia cắt gây nên thảm cảnh chiều chiều vợ ra bến ngóng chồng, ông ra sông ngóng cháu, những đôi trai gái chưa kịp cưới nhau đã phải chia lìa để cứ chiều chiều đứng bên này khoát nón sang bên kia gọi nhau mà không thể gần nhau được. Tôi tự hỏi mình, ngoài biển kia con cá nục đến con cá măng còn tung tăng bơi lội thoải mái giữa hai miền, tại sao con người lại bị ngăn cách? Và tôi đã lấy khát vọng thống nhất đất nước làm chủ đề bài hát, đáp ứng cuộc thi hưởng ứng cổ vũ cuộc nổi dậy chiến đấu của nhân dân miền Nam. Ca khúc này chiếm giải Nhì (không có giải Nhất), đã ca ngợi, thúc đẩy tinh thần chiến đấu và sản xuất. Và quả nhiên, những tác phẩm mang tính nhân văn, đậm đà tình yêu quê hương đất nước, sắt son tình cảm vợ chồng như thế luôn sống mãi với năm tháng.
Thiên Hương