Xã hội hoá y tế: Quyền lợi người bệnh phải là ưu tiên số 1

13-04-2017 16:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Xã hội hóa trang thiết bị y tế đã làm thay đổi cơ sở vật chất của các bệnh viện, người bệnh được hưởng các kỹ thuật cao. Dịch vụ khám chữa bệnh nhờ đó đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Bên cạnh những mặt tích cực từ xã hội hoá y tế vẫn còn canh cánh những nỗi lo để trang thiết bị y tế được sử dụng đúng mục đích. Người bệnh phải được thụ hưởng đúng, nhà đầu tư yên tâm với đồng vốn đã bỏ ra. Với Bệnh viện Bạch Mai, là bệnh viện hạng đặc biệt đa khoa đầu tiên của cả nước, Bộ Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi để bệnh viện mời gọi xã hội hoá và nhờ đó nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đầu tiên và duy nhất của cả nước được trang bị tại đây. Bài toán kinh tế đặt ra để vừa phục vụ người bệnh vừa đảm bảo thu hồi vốn của nhà đầu tư như thế nào? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó giám đốc phụ trách tài chính của Bệnh viện Bạch Mai, về vấn đề này.

PV: Thưa ông, xã hội hoá y tế mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển y tế, giúp bệnh viện, người thầy thuốc tiếp cận nhiều trang thiết bị hiện đại. Người bệnh có cơ hội chẩn đoán sớm và điều trị đúng. Công tác xã hội hoá trang thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai thực hiện như nào?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền: Xã hội hóa y tế xuất phát từ chủ trương của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về qui định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính với đơn vị sự nghiệp công  lập.  Từ đó, các bệnh viện được phép xã hội hoá hoạt động y tế, trong đó có xã hội hoá trang thiết bị y tế.

Đối với bệnh viện Bạch Mai, nguồn kinh phí hàng năm do nhà nước cấp còn ít, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu KCB của nhân dân, đặc biệt là nhu cầu kỹ thuật cao phục vụ người bệnh nên được sự cho phép của lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viện mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa. Nhờ xã hội hoá, trong 10 năm trở lại đây,về trang thiết bị y tế nói riêng và cơ sở vật chất nói chung của bệnh viện đã được thay đổi căn bản. Người dân, chính người bệnh được lợi nhất khi họ không phải ra nước ngoài điều trị, được thụ hưởng các kỹ thuật cao ngay trong nước. Uy tín và thương hiệu của ngành y tế được nâng lên. Người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước ta và thậm chí cả bệnh nhân ở nước khác cũng sang Việt Nam thực hiện các kỹ thuật này như phẫu thuật dao quay gama trong điều trị u não mà ít nước trong khu vực có thể làm được.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền



PV: Là bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt, được nhiều người bệnh lựa chọn làm nơi khám chữa bệnh đồng thời nhà đầu tư cũng rất mong muốn được đặt trang thiết bị xã hội hoá ở đây. Vậy tiêu chí đặt máy và liên doanh liên kết ở bệnh viện ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền: Đối với Bệnh viện Bạch Mai việc thực hiện xã hội hóa được thông qua chủ trương của Đảng uỷ, bam giám đốc, công đoàn của bệnh viện. Hình thức doanh nghiệp đầu tư số máy, bệnh viện cung cấp nơi đặt máy, nhân lực và đặc biệt là dùng thương hiệu của bệnh viện. Còn nguồn nữa là bệnh viện tự mua máy.

Các trang thiết bị đều thông qua hội động khoa học đáp ứng các tiêu chí:

Thứ nhất: Bệnh viện lựa chọn máy xuất phát từ nhu cầu của người bệnh.

Thứ hai: Những thiết bị phải tiên tiến, mới nhất và trang thiết bị y tế đó bệnh viện phải có đủ năng lực sử dụng, đó là vấn đề con người.

Chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng của dịch vụ đó, chất lượng gồm có máy móc, thiết bị, chất lượng nhân sự sử dụng máy, đảm bảo an toàn về môi trường mới được lựa chọn.

PV: Bài toán kinh tế giữa nhà đầu tư – bệnh viện – người bệnh được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền: Chúng ta cần thẳng thắn để nói rõ như thế này, trước tiên xã hội hoá trang thiết bị y tế phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phù hợp mô hình bệnh tật. Năng lực tiếp nhận, sử dụng trang thiết bị của cán bộ y tế bệnh viện đó. Và phải khẳng định rằng, xã hội hoá trang thiết bị y tế thì người bệnh luôn được hưởng lợi trực tiếp nhất. Được chẩn đoán chính xác, nhanh chóng, hiệu quả. Các trang thiết bị xã hội hóa đều được bảo hiểm y tế thanh toán theo khung của Bộ Y tế. Người bệnh đồng chi trả theo đúng luật BHYT.

Một số máy khi hết thời gian khấu hao, bệnh viện sẽ giảm giá dịch vụ.

Điều người bệnh thường lo lắng đó là lạm dụng các kỹ thuật, xét nghiệm nhưng ở Bệnh viện Bạch Mai không có việc lạm dụng vì các chỉ định của bác sĩ đều được kiểm soát và theo đúng bệnh. Bác sĩ không thể, không muốn “móc ngoặc” với doanh nghiệp lạm dụng trang thiết bị được vì mọi nguồn thu đều do bệnh viện thu về. Một ngày, khoảng 20.000 khoản thu đều được tôi kiểm soát chặt chẽ vào cuối ngày. Bác sĩ chẳng có lợi gì thì sao họ phải lạm dụng?

Mặt khác, như tôi đã nói ở trên, Bệnh viện Bạch Mai luôn thận trọng khi chọn máy để xã hội hoá. Trang thiết bị y tế xã hội hoá như “cú hích” để tạo đột phá trong khám chữa bệnh, đặt mục tiêu quyền lợi của người bệnh phải là hàng đầu. Tôi cũng phải chia sẻ rằng, các máy xã hội hóa của bệnh viện hiện nay luôn trong tình trạng quá tải, không thể còn thời gian cho chỉ định thừa, lạm dụng nữa.

Bệnh viện luôn kiểm soát chất lượng, giá cả, theo nguyên tắc giá phải tính đủ chi phí, có 1 phần tích luỹ để bệnh viện phát triển.

PV: Xã hội hoá ở bệnh viện công lập nếu như quá đà dễ gây bất bình đẳng giữa người nghèo và người có tiền. Về phía bệnh viện, bệnh viện tính toán như thế nào để giảm được những bất bình đẳng đó?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền: Đối với bệnh viện ( cơ sở y tế nói chung) luôn phải đặt quyền lợi người bệnh trên hết, đó là nguyên tắc, bất di bất dịch. Sau đó, mới tính đến doanh nghiệp, rồi bệnh viện và nhà nước cũng phải có lợi.

Tuỳ theo từng loại máy, bệnh viện cung cấp mặt bằng, điện nước, nhân sự, cung cấp toàn bộ chi phí vật tư tiêu hao, các chi phí này bệnh viện chi có hạch toán chi tiết và trả về bệnh viện. Bệnh viện chỉ lấy về phần gọi là thương hiệu của bệnh viện.

Phần chi phí dùng thương hiệu của bệnh viện buộc phải đàm phán để cán bộ công nhân viên chức, người thầy thuốc…những người đang ngày đêm lao động cật lực vì chất lượng, thương hiệu của Bạch Mai không phải thua thiệt và phía nhà đầu tư cũng cần thu hồi vốn.

Các bên đều có lợi, lợi hài hoà, bệnh viện quản lý chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ để không bị phụ thuộc vào người đặt máy.

Ở đây không có sự bất công bởi vì các máy này đều được BHYT chi trả theo đúng quy định BHYT.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, với lĩnh vực khám chữa bệnh, không ai được phép thu tiền mà đều do bộ phận kế toán quản lý và cân đối để phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông


Mai Thanh (thực hiện)
Ý kiến của bạn