Tại Hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ” do Bộ Y tế tổ chức ngày 16/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh vai trò của việc xã hội hóa y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên từ thực tiễn xã hội hóa này cũng đã phát sinh những vấn đề cần được tháo gỡ...
Xã hội hóa y tế: Hướng đi đúng?
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trong những năm qua, ngành y tế đã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA và các nguồn vốn khác. Từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện (BV) từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và từng bước hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của ngành y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, hiện mới đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân trong khi theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế phải là 39/10 vạn dân. Hầu hết các BV đều có công suất sử dụng giường bệnh cao do chưa được mở rộng từ năm 1975 đến nay. Số giường bệnh nhiều chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi,... còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế. Vì thế, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả khả quan. Nguyên tắc tự chủ, công khai minh bạch, tránh xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, phải đặt bệnh nhân làm trung tâm.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), việc vay vốn, hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm nhiều cơ sở y tế như: Viện Huyết học - Truyền máu TW, BV Răng Hàm Mặt TW TP. Hồ Chí Minh, BV TW Huế, BV Tai Mũi Họng TW, BV Việt Đức... từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và giảm quá tải BV.
Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống PET.CT, CT-Scanner các loại (có cả loại 256, 128 và 64 lớp cắt), hệ thống cộng hưởng từ, máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong.
Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, làm cho trình độ kỹ thuật về y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được BHYT thanh toán.
Liên kết công - tư: Nơi mặn mà, nơi thờ ơ
Đánh giá cao vai trò của xã hội hóa y tế, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ ra hàng loạt khó khăn của BV tư trong thời gian qua. Hiện cả nước có 171 BV tư nhân với gần 11.000 giường bệnh. Trong đó chỉ có 37 BV có quy mô trên 100 giường bệnh trở lên. Đáng lưu ý, chỉ có 5 BV tư có công suất 100% trở lên, số còn lại chỉ đạt 40-50% công suất, cá biệt có BV chỉ đạt khoảng 20%. “Tôi rất chia sẻ với các bệnh viện tư khi công suất hoạt động thấp, khó khăn trong thanh toán BHYT và tâm lý người dân chưa thực sự tin tưởng”, Bộ trưởng nói.
Trước thực trạng trên, nhiều BV tư nhân phía Nam đã phải liên kết, trở thành BV vệ tinh của các BV công lập lớn để tồn tại. Đó là BV Hồng Ngọc, BV Thành Đô trở thành BV vệ tinh của BV Ung bướu TP.HCM... Tuy nhiên tại các tỉnh phía Bắc, xu hướng liên kết BV công - tư chưa được hình thành, thậm chí chưa được các giám đốc BV mặn mà. “Nghị quyết 93 về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế không ưu tiên cho y tế tư nhân, cơ chế tài chính khó khăn nhưng Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ tối đa về chuyên môn, thương hiệu. Giờ các BV công không hào hứng thì mình phải chủ động đến liên hệ với họ để liên kết”, Bộ trưởng gợi mở.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ băn khoăn về giá các BV thu khi thực hiện xã hội hóa. Có nơi đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thu giá gấp 3-4 lần BHYT. Do đó, ông đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế để những BV chủ chốt thực hiện xã hội hóa có thể dùng quỹ BHYT mua lại các khoản nợ đã vay.
Nguyễn Nam