Hiện nay nhu cầu thuê người chăm sóc bệnh nhân đang ngày càng phổ biến tại Hà Nội và các thành phố lớn. Từ đây đã hình thành một thị trường mới: dịch vụ cho thuê người chăm sóc bệnh nhân phát triển mang tính tự phát, không có tổ chức quản lý... gây nhiều bất cập như mất an toàn, an ninh bệnh viện và khi xảy ra sự cố, rất khó để giải quyết. Do đó, việc kết hợp giữa bệnh viện với một đơn vị ngoài bệnh viện để cùng xây dựng và kết hợp triển khai một số dịch vụ như dịch vụ chăm sóc người bệnh theo hướng xã hội hóa là mô hình phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tại Hội thảo “Phát triển công tác xã hội theo hướng xã hội hóa và dịch vụ điều dưỡng theo yêu cầu”, PV báo SK&ĐS đã ghi lại một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
PGS.TS. Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K: Điều dưỡng là khâu quan trọng trong dây chuyền phục vụ KCB
PGS.TS. Bùi Diệu.
Tôi đánh giá rất cao vai trò của nhân viên điều dưỡng trong các bệnh viện, bởi vì đây là một khâu quan trọng trong dây chuyền phục vụ khám chữa bệnh (KCB) của một bệnh viện. Đó là nhu cầu thiết yếu của người bệnh, từ khi nhập viện cho đến khi xuất viện. Do vậy, công tác điều dưỡng và chăm sóc giảm nhẹ hiện trong xã hội đang rất cần. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận việc này giữa bệnh viện công và bệnh viện tư bây giờ là bình đẳng như nhau. Vì thế, theo tôi, mô hình xã hội hóa này cần có lộ trình bao gồm phải được đầu tư cả cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người, trang thiết bị... Về phía bệnh viện, chúng tôi cam kết sẽ đào tạo và đào tạo lại cho hệ thống dịch vụ chăm sóc bệnh nhân đạt hiệu quả. Hiện, bệnh viện đã trình Bộ trưởng xin thành lập Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ để phục vụ tốt hơn cho người bệnh và đang đào tạo gần 200 điều dưỡng để phục vụ bệnh nhân, hỗ trợ người bệnh tích cực, hoàn thành mục tiêu đề ra theo tinh thần của Quyết định số 2514/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Cao Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Viện Khoa học Điều dưỡng và Phục hồi chức năng: Góp phần làm tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế
Ông Nguyễn Cao Đình Đức.
Bộ Y tế đã có chính sách phát triển nghề công tác xã hội trong lĩnh vực y tế, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Vì vậy, việc kết hợp giữa bệnh viện với một đơn vị ngoài bệnh viện để cùng xây dựng và phát triển phòng công tác xã hội theo hướng xã hội hóa, đồng thời kết hợp triển khai một số dịch vụ như dịch vụ chăm sóc người bệnh là mô hình hợp lý, nhằm giảm tải một phần quá tải trong các bệnh viện.
Lợi ích trước mắt có thể thấy được là: Bệnh viện không phải chi trả lương cho nhân viên hoạt động trong bộ phận công tác xã hội. Không làm tăng nhân lực tại bệnh viện. Người bệnh được chăm sóc tận tình và chu đáo nhất bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ. Hỗ trợ tốt công tác an toàn, an ninh của bệnh viện. Nâng cao chất lượng dịch vụ và làm tăng sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế. Nâng cao chất lượng điều trị và hình ảnh bệnh viện. Giải quyết việc làm cho một lượng lớn điều dưỡng ra trường không xin được việc làm tại các bệnh viện, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho xã hội.
Trần Lâm
(thực hiện)