Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy vừa yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone với mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng methadone cho khoảng 80.000 người nghiện tại 30 tỉnh, thành. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác xã hội hóa các cơ sở điều trị methadone.
Xã hội hóa là cần thiết
![]() Bệnh nhân điều trị methadone tại Hải Phòng. Ảnh: Thu Hương |
Những lợi ích mà chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone đem lại là vấn đề không phải bàn cãi, tuy nhiên khi Việt Nam được xếp vào hàng các nước có thu nhập trung bình thì việc huy động nguồn viện trợ quốc tế cho các chương trình điều trị này sẽ vô cùng khó khăn. Để đảm bảo cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy được tiếp cận với loại hình dịch vụ này như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì giải pháp xã hội hóa công tác điều trị thay thế bằng thuốc methadone là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Nêu cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng để xã hội hóa
Xã hội hóa chính là huy động tối đã tiềm năng của các tổ chức chính trị xã hội và bản thân gia đình người nghiện. Thông qua xã hội hóa, công tác điều trị thay thế bằng methadone sẽ nêu cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng và thực sự biến công tác phòng chống ma túy thành nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Thực tế cho thấy ở Hải Phòng đã vận động người nghiện đóng góp một phần kinh phí (8.000đ/ lần điều trị) chính là bước thử nghiệm xã hội hóa và nêu cao trách nhiệm của từng gia đình. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa số người dân có con em điều trị tại cơ sở Hải Phòng đều hài lòng với phương thức điều trị này. Ông N.V.K có con trai đang điều trị methadone tại cơ sở điều trị methadone xã hội hóa Hải Phòng chia sẻ: “Với mức 8.000đ cho mỗi lần mua thuốc điều trị gia đình hoàn toàn hài lòng, bởi còn hơn suốt ngày cháu đi ăn cắp ăn trộm, phá cửa phá nhà để dùng ma túy”.
Để công tác điều trị này được triển khai bền vững mang lại hiệu quả cao phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Bởi lẽ, methadone cũng là một chất gây nghiện cho nên cần phải có sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ trong suốt quá trình từ khâu cung cấp thuốc đến người sử dụng thuốc, tránh bị thất thoát và sử dụng sai mục đích. Ngành công an phối hợp chặt chẽ với y tế chỉ đạo cơ quan các cấp đảm bảo an ninh thuốc, an ninh trật tự tại các cơ sở điều trị cũng như khu vực dân cư xung quanh. Liên ngành Lao động thương binh và Xã hội - Y tế cần phối hợp hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng tham gia điều trị methadone…
Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục cần phải tích cực hơn nữa để người dân hiểu được ưu điểm, nhược điểm của methadone, không ngộ nhận, đặc biệt là với những người mới nghiện ma túy. Công tác truyền thông cũng cần phải chú ý đến các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để họ hiểu rõ lợi ích và khuyến khích họ chủ động đóng góp kinh phí cho chương trình. Hơn nữa, để đa dạng hóa các thành phần tham gia chương trình nhằm đạt mục tiêu xã hội hóa thì cần tạo hành lang pháp lý phù hợp không chỉ cho các cơ sở nhà nước mà còn mở rộng ra các thành phần khác. Ngoài ra cũng phải tính toán kỹ để đơn giản hóa các thủ tục cấp thuốc vì nếu bệnh nhân đã dùng thuốc sau 24 giờ nhưng đi khỏi cơ sở điều trị thì việc gắn kết với cơ sở cấp phát thuốc khác ở những địa phương khác như thế nào để thuận lợi cho người bệnh nhất cũng là điều cần được quan tâm.
Nguyễn Hồng