Theo thống kê của ngành xuất bản, truyện tranh Việt Nam mới chỉ chiếm 1% thị phần so với truyện tranh nước ngoài. Đây là con số quá khiêm tốn nếu không muốn nói là quá “thảm” đối với mảng truyện tranh Việt. Những cố gắng gần đây của người trong cuộc nhằm thay đổi diện mạo cho truyện tranh đang mở ra những hy vọng mới, trong đó phải kể đến một hình thức xuất bản đặc biệt: xã hội hóa truyện tranh.
Số lượng thôi chưa đủ
Khi nói về khó khăn của truyện tranh Việt, không khó để kể ra những bất cập. Truyện tranh của ta không có bất kỳ sự nghiên cứu quy mô đồng bộ nào về “gu” thẩm mỹ của độc giả, nhu cầu của thị trường cần những sản phẩm như thế nào, nhà sản xuất nên đưa ra những ấn phẩm gì và đưa nó đến với người đọc ra sao... Một nguyên do khác chính là vấn đề tài chính để phát triển truyện tranh ở nước ta còn có phần eo hẹp, nếu không muốn nói các cá nhân, đơn vị phải “tự bơi”.

Khách quan mà nói, trong số các họa sĩ trẻ vẽ truyện tranh, có nhiều người đã đầu tư nghiên cứu mảng văn hóa dân tộc và thu được những thành công như “Đất Rồng” (sáng tạo bởi nhóm Demensional Art - nhóm bạn trẻ đã từng giành được giải thưởng ý tưởng “Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội”), “Long Thần tướng” (họa sĩ Nguyễn Thành Phong) - câu chuyện hư cấu tái hiện chiều sâu văn hóa Việt qua những góc nhìn của các nhân vật từ thời nhà Trần, được đầu tư kỹ về sử liệu và có cố vấn chuyên môn cả về phục trang lẫn bối cảnh của thời đó. Mới đây, khi ra mắt phần 2 của “Long Thần tướng”, bộ sách cũng được cộng đồng đọc chú ý. Một gương mặt khác trong giới họa sĩ trẻ là Tạ Huy Long cũng được giới chuyên môn đánh giá cao bởi hình ảnh chú dế mèn với chiều sâu văn hóa trong truyện tranh “Cửa sổ”.
Sự bùng nổ của truyện tranh Việt Nam với nhiều tác giả như: Phong Dương Comics, BRO Group, Phan Kim Thanh... cùng sự nở rộ của các tạp chí truyện tranh thuần Việt cũng là những mảng sáng được ghi nhận. Theo thống kê của một diễn đàn, hầu như tỉnh, thành nào cũng có ít nhất một nhóm vẽ truyện tranh. Sự xuất hiện của những nhân tố trẻ đem đến làn gió mới cho diện mạo truyện tranh Việt Nam. Nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa được khai thác dưới góc nhìn gần gũi với đời sống hàng ngày khiến trẻ em thích thú. Sự đa dạng về đề tài, tính hài hước và ngôn ngữ bắt kịp cuộc sống hiện đại cùng nhịp điệu của giới trẻ là các yếu tố khiến truyện tranh Việt được chú ý. Nhất là cuối năm 2014 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt truyện tranh Việt Nam tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng như “Nhật ký Mèo Mốc”; “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” hay “Long Thần Tướng”. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc tác giả có tác phẩm tốt chỉ là những cố gắng cá nhân, một vài cuốn sách bán chạy cũng chỉ là đột nhiên bán được chứ không phải nằm trong chiến lược được tính toán kỹ.
Cứu vãn bằng xã hội hóa
Gần đây, một số tác giả trẻ của Việt Nam đã tìm đến phương thức xã hội hóa truyện tranh, tìm nguồn tài trợ hay còn gọi là gây quỹ cộng đồng cho việc sáng tác truyện tranh. Mô hình này đã ra đời từ lâu và khá phổ biến trên thế giới, nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đưa sản phẩm của mình đến với công chúng một cách độc lập. Đặc biệt là đối với các ý tưởng hoặc dự án nghệ thuật bị trì hoãn vì lý do thiếu kinh phí. Tuy nhiên, khi phổ cập ở Việt Nam, hình thức này vấp phải một vài trở ngại. Tâm lý và niềm tin của cộng đồng vừa là động lực vừa là thách thức lớn nhất. Để dự án thành công, các chủ dự án phải không ngừng tương tác với cộng đồng của mình và phải chứng minh được niềm say mê cùng quá trình thực hiện để các thành viên cộng đồng hứng thú.
Nhưng trong bối cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của truyện tranh Việt, xã hội hóa là cách làm gần như duy nhất mà người làm nghề buộc phải lựa chọn. Nói cách khác, đây cũng là phương thức để các nghệ sĩ độc lập khắc phục trở ngại về tài chính. Mới đây, bên cạnh “Long Thần Tướng”, nhiều đầu sách đã được xuất bản bằng hình thức này. Là dòng truyện tranh hài, độc đáo, như “Truyện cực ngắn” của tác giả Đào Quang Huy, kêu gọi ủng hộ 150 triệu để xuất bản, thu được gần 207 triệu đồng, đạt 138% kế hoạch; dự án truyện “Mật ngọt chết mèo” của tác giả Đặng Ngọc Minh Trang, kêu gọi 100 triệu thu được gần 120 triệu... Những thành quả khả quan này thực sự mang đến nhiều hy vọng cho các nghệ sĩ độc lập nói riêng, mảng truyện tranh Việt nói chung. Không chỉ đáp ứng được nhu cầu tài chính, theo các tác giả trẻ sáng tác truyện tranh, việc xuất bản sách từ quỹ của bạn đọc giúp tác giả trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm về quản lý thời gian, kế hoạch, “chăm sóc khách hàng”... Hình thức này giúp cho những dự án truyện tranh có sự yên tâm để lo chuyên môn, bỏ nhiều tâm huyết đầu tư tỉ mỉ, công phu cho tác phẩm của mình.
Chưa ai khẳng định cách phát hành mới mẻ này có phải là hướng đi lâu dài của ngành truyện tranh Việt hay không, nhưng trước mắt xã hội hóa giúp người làm nghề có niềm tin rằng họ sẽ sống được với đam mê.
Nam Phương