Vụ việc Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa cá tra vào sách đỏ làm ngạc nhiên và gây sửng sốt cho nhiều người bởi việc làm này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín và còn cả nền kinh tế của Việt Nam.
Lý do mà WWF đưa ra để liệt cá tra vào danh sách đỏ là các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường. Sự việc này đặt ra một câu hỏi rằng liệu đây có phải là một cuộc chiến kinh tế hay chỉ là những cú đòn cạnh tranh không bình đẳng của đối phương nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh. Tất cả đều có thể xảy ra. Xong điều đáng buồn là WWF tại Việt Nam cũng đồng tình với những quyết định đầy mơ hồ này. Nó đã đồng loạt nhận được phản ứng của Việt Nam, từ Bộ Ngoại giao, các tổ chức, hội nghề cá và các doanh nghiệp Việt Nam. Điều đáng buồn là những tiêu chí mà WWF dựa vào để đánh giá con cá tra của Việt Nam lại chỉ xuất phát từ hai nguồn tài liệu là bài báo đăng trên tạp chí Aquaculture số 296 năm 2009 của Hội Nuôi trồng thủy sản thế giới, xuất bản 6 số/năm và bản đánh giá tác động môi trường của hệ thống nuôi cũng công bố năm 2009 của Trường Đại học Wagenningen (Hà Lan). Có thể nói những thông tin mà WWF đưa ra có thể tác động tới cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam, vậy mà những thông tin đó lại không hề dựa trên kết quả điều tra, khảo sát hay tính toán khoa học nào mà chỉ hoàn toàn dựa trên những tài liệu có từ năm … 2009. Liệu những cứ liệu có từ năm 2009 có đánh giá được tình hình thực tế về việc nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam năm 2010 và thậm chí là sang năm 2011…
Tổng cục Thủy sản Việt Nam ngay lập tức mổ xẻ những tiêu chí để đưa con cá tra của Việt Nam vào “sách đỏ”. Trong đó có 7/19 câu hỏi không có nguồn gốc thông tin nhưng WWF vẫn đánh giá. Và nhiều câu hỏi được WWF “trả lời máy móc và nực cười”. Trước những phản ứng dữ dội từ trong nước, ngay trong ngày 9/12, WWF Việt Nam đã quyết định tạm đưa cá tra ra khỏi “danh sách sách đỏ” trước khi có kết quả đánh giá lại. Thử hỏi một tổ chức uy tín như WWF mà có những đánh giá thiếu thông tin, không có cơ sở khoa học như thế thì người tiêu dùng và những người mong muốn bảo vệ tự nhiên còn biết tin vào đâu... Và liệu trong tương lai những vụ việc tương tự có còn xảy ra nữa hay không.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc WWF tại một số nước châu Âu đưa sản phẩm cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng 2010 - 2011, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Rất tiếc là các thành viên của WWF tại một số nước châu Âu đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế về sản phẩm cá tra của Việt Nam. Việc làm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới những người dân sống bằng nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản ở Việt Nam cũng như người tiêu dùng ở các nước châu Âu, không có lợi cho mối quan hệ kinh tế-thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước châu Âu... Chúng tôi yêu cầu Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại các nước này đưa cá tra của Việt Nam ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010-2011, công bố các tiêu chí đánh giá và có các khuyến nghị khách quan, sát với điều kiện thực tế sản xuất và xuất khẩu cá tra tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng đón tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia của WWF đến thăm và tìm hiểu thực tế sản xuất nuôi trồng và chế biến thủy sản, qua đó có đánh giá đúng đắn về ngành sản xuất thủy sản của Việt Nam”. |
Xuân Phong