Hà Nội

World Cup: Vấn nạn ăn vạ và xu thế buồn của bóng đá đỉnh cao

12-07-2014 10:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - World Cup năm nay, người ta đã coi đội chủ nhà là vô địch... ăn vạ, còn ngôi sao của Hà Lan Robben là “vua” ngã vờ

Chưa có World Cup nào mà hiện tượng cầu thủ ngã trong vòng cấm, nằm gục trên sân lại nhiều như giải đấu trên đất Brazil. Đến mức mà người ta đã coi đội chủ nhà là vô địch... ăn vạ, còn ngôi sao của Hà Lan Robben là “vua” ngã vờ. Vì sao chuyện dù không lạ song rất đáng phê phán này lại tăng đột biến như vậy?

Brazil vô địch... ăn vạ

Khả năng giữ Cup lại giờ đã rất mong manh khi thiếu vắng ngôi sao Neymar nhưng Brazil đã chắc chắn sở hữu danh hiệu chẳng ai muốn: vô địch... ăn vạ. Theo thống kê, đội bóng xứ sở Sampa chính là những người ngã trong vòng cấm và ngã trên sân nhiều nhất. Chỉ tính riêng ba trận vòng bảng, các cầu thủ vốn có thể hình, thể lực được đánh giá tốt nhất giải có tới 17 tình huống nằm trên sân với tổng thời gian lên tới 3 phút 17 giây. Nó còn được tăng tốc lên ở 2 trận vòng knock-out với thêm 14 tình huống nữa và cũng tốn tới tròn 2 phút. Trong số đó, rất bất ngờ vì Neymar - ngôi sao đã phải rời giải ngay sau vòng tứ kết vì chấn thương - đã “đóng góp” tới 1/3.

Neymar
Neymar

Đội bóng chủ nhà cũng đứng đầu với 6 pha ngã đẹp trong vòng cấm địa của các đối thủ. Và ngay pha đầu tiên trong trận khai mạc với Croatia, tiền đạo Fred đã thành công với cú ngã đánh lừa được ông trọng tài non kinh nghiệm người Nhật Bản để mang về cho đội nhà một cú phạt đền - điểm nhấn trong thắng lợi 3-1 của Brazil. Nếu như không có sự phản ứng quyết liệt của Croatia cùng giới truyền thông, chắc chắn các cầu thủ Brazil còn gục ở vòng cấm nhiều hơn, thậm chí rất có thể còn có thêm vài quả phạt đền nữa.

Brazil ngã nhiều nhất, song Honduras mới thực sự là “siêu sao” của sự ngã cùn. Họ chỉ kém chủ nhà đúng 1 lần với 16 tình huống nằm vật trên sân trong 3 trận vòng bảng, đáng nói hơn với thời gian “chết” kỷ lục: 7 phút 40 giây. Dõi theo đội này thi đấu có cảm giác như các cầu thủ rất to khỏe của họ không mấy lo tổ chức tấn công hay phòng thủ mà chỉ tìm mọi cách để nằm sân câu giờ, gây ức chế cho đối phương.

“Vua” ngã vờ Robben

Không còn nghi ngờ gì nữa, ngôi sao của Hà Lan này thực sự là cầu thủ ngã nhiều nhất, kiếm được nhiều quả phạt nhất tại giải, ở mức hoàn toàn vượt trội so với các “chuyên gia” khác. Thậm chí, việc thẩm định tính thật giả trong các pha ngã vừa nhanh vừa đẹp của anh đã trở thành một thách thức và nguy cơ lớn đối với mọi trọng tài.

Cầu thủ Robben của Hà Lan được coi là “vua” ngã vờ.

Đỉnh điểm cho “tài nghệ” của Robben là ở trận vòng 1/8 với Mexico khi anh đã có tới 21 lần ngã sân, chỉ tính riêng trong vòng cấm đã 3 lần. Quá nghiệt ngã cho Mexico, bởi đúng ở pha ngã cuối cùng của Robben vào phút 90 4 sau pha va chạm đầy nhạy cảm với trung vệ Marques, Hà Lan đã được hưởng một quả phạt đền, nhờ đó kết liễu số phận trận đấu với tỷ số 2-1.

Khi xem lại, giới chuyên môn đều cho rằng Robben đã cố tình ngã đẹp và đánh lừa được trọng tài. Còn bản thân anh cũng rất tinh quái, thừa nhận và xin lỗi rằng mình đã có pha ngã ăn vạ kiếm phạt đền, song không phải ở phút 90 4 mà là ở hiệp 1. Trong khi đó, HLV đội thua cuộc Mexico - ông Herrera quả quyết cả ba pha ngã vòng cấm của Robben đều là cố tình ngã vờ, mọi chuyện đã khác nếu như trọng tài “dằn mặt” anh này ngay bằng một chiếc thẻ vàng cảnh cáo ngay từ đầu.

Như thường lệ, đến trận tứ kết gặp Costa Rica, Robben tiếp tục ngã nhiều nhất và kiếm đá phạt nhiều nhất. Trong đó, có rất nhiều pha ngã thực sự do bị đốn rất rõ ràng song cũng không ít lần anh chỉ chờ đối thủ “vào thế” để ngã. Cách thức của Robben cũng vô cùng khó lường, bởi anh chủ động tránh những pha trong vòng cấm như trước rất dễ bị phạt thẻ mà tập trung ngã để có các quả đá phạt trực tiếp nguy hiểm.

Chuyện thường ở World Cup

Brazil là vô địch về ăn vạ, Robben xứng danh vua nhưng thực tế ngã vờ ăn vạ đã trở thành một vấn nạn chung của World Cup này với những diễn biến muôn nẻo.

Hãy nhìn vào con số khi kết thúc 31 trận đấu của vòng bảng có tới 302 lần cầu thủ của các đội ngã trong vòng cấm, nằm ra sân với đủ các hình thức đau đớn, làm gián đoạn tổng thời gian lên tới 132 phút, tức là mất tới 1 trận đấu rưỡi. Và nó hết sức tương phản với việc chỉ có 9 lần các cầu thủ đau đớn đến mức không còn có thể thi đấu nữa.

Chỉ với tư cách của một khán giả bình thường trên sân hay qua truyền hình cũng có thể thấy không có một trận đấu nào không có cả chục tình huống ăn vạ để câu giờ khiến đối thủ va chạm nhận thẻ hay tệ hơn kiếm phạt đền. Hiếm có cầu thủ nào từ chối cơ hội để ngã, mà từ đó mang về thuận lợi cho đội nhà, thậm chí tạo bước ngoặt của trận đấu. Đơn cử trong trận vòng bảng giữa Đức với Bồ Đào Nha, nếu như không có pha “biểu diễn” quá siêu của Mueller sau cú va chạm với Pepe, chưa chắc trung vệ người Bồ đã phải nhận thẻ đỏ trực tiếp rời sân. Rồi ngay cả một tiền đạo lực lưỡng và rất ít tiểu xảo như Costa (Tây Ban Nha) cũng đã bất ngờ có pha ngã quá đẹp trong vòng cấm của Hà Lan để giúp cho đội nhà có “món quà” là quả phạt đền.

Quân tử thì…thiệt

Theo thống kê, Bosnia &Herzegovina là đội bóng chơi đoàng hoàng và nam tính nhất tại Word Cup, có thể nói là trường hợp hiếm hoi không cần hay không biết ăn vạ. Tính cả ba trận vòng bảng, tân binh này chỉ có đúng hai lần ngà và nằm sân, đều sau những pha va chạm rất rõ ràng. Các cầu thủ của họ cũng chỉ làm thời gian “chết” đúng 24 giây- một kỷ lục trong 20 giải đấu.

Tuy nhiên, đội chơi đẹp ấy cũng lại chính là đại diện phải dừng bước ngay từ vòng bảng, với 1 trận thắng thuyết phục trước Nhật Bản, cùng 2 trận thua sát nút rất đáng tiếc trước Argentina và Nigeria.

Như đánh giá, họ đã sớm rời cuộc chơi không phải vì lực lượng yếu mà bởi quá non về kinh nghiệm. Nếu như Bosnia &Herzegovina chỉ cần có thêm chút “quái”, mà nói thẳng ra là chơi quyết liệt và tiểu xảo hơn, chính họ chứ không phải Nigeria mới tiếp bước Argentina vào vòng hai.

Brazil chơi bạo lực nhất

Rất bất ngờ vì đội bóng của xứ sở Sampa, ngoài danh hiệu “vô địch” ăn vạ còn chiếm luôn cả ngôi nhất trên một danh mục không ai muốn khác: chơi bạo lực. Tính đến hết vòng tứ kết, qua 5 trận đấu, đại diện của cái “nôi” bóng đá hoa mĩ, ngẫu hứng lại đang là đội có tới 96 pha phạm lỗi với các đối thủ. Trong đó, trận đấu giữa Brazil – Colombia ở tứ kết cũng là số 1 về phạm lỗi, với 54 pha.

Như một nghịch lý, chơi “rắn” nhất song chính Brazil lại phải trả giá quá đắt khi mất ngôi sao số 1 Neymar vì chấn thương, sau một pha vào bóng “ác” của cầu thủ Colombia.

Vì đâu nên nỗi?

Chuyện ăn vạ, ngã vờ thực ra là một phần... tất yếu của bóng đá, ngày càng rõ trong xu hướng toàn cầu hóa và thương mại hóa nhanh chóng mặt của môn này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, tại sao, lần này nó lại tăng đột biến.

Có hàng loạt lý do cho hiện tượng đáng buồn này, song tựu trung nổi lên một số “điểm nhấn”:

Thứ nhất, khoảng cách giữa các đội bóng ngày một thu hẹp, cả về trình độ lẫn kỹ chiến thuật. Trước sức ép về mọi mặt, nhất là chiến thắng, các đội bóng đã tìm mọi cách để tạo ra khác biệt, mà ở đó, đủ mọi tiểu xảo đã được tận dụng triệt để và phần nào đó mặc nhiên được chấp nhận. Hầu hết tiền đạo trên thế giới khi được hỏi đều cho rằng chắc chắn trong tình huống cụ thể cũng sẽ ngã và kiếm phạt đền như Robben đã làm trong trận gặp Mexico.

Thứ hai, điều kiện thời tiết nắng nóng cùng thời điểm thi đấu vào giữa trưa và đầu giờ chiều tại Brazil đã khiến các cầu thủ nhanh xuống sức và hồi phục cực chậm. Chính vì thế, bằng cách này hay cách khác, họ đã phải cố gắng giữ sức và đáng nói hơn, dễ nhất để tìm kiếm chiến thắng. Nó lý giải việc các cầu thủ có thể sẵn sàng ngã bất cứ lúc nào, ở đâu, thậm chí tìm cớ để cố tình ngã mà bất chấp thực tế như thế nào.

Thứ ba, đây cũng là điều quan trọng nhất: chất lượng của các trọng tài. Chính việc rất nhiều trọng tài không theo kịp diễn biến của trận đấu, có những pha xử lý sai, dễ dãi hay không dứt khoát để khiến tình trạng chẳng những không được ngăn chặn từ đầu mà còn lan tràn. Nói một cách khác, vấn nạn ngã vờ, ăn vạ của cầu thủ cũng là biểu hiện sinh động cho sự tụt hậu của các trọng tài trước trình độ cao của các đội bóng, từng cầu thủ, nhất là khi gắn với căn bệnh thành tích, áp lực của người hâm mộ, sự biến ảo của kỹ chiến thuật. 

Xuyến Chi

 


Ý kiến của bạn
Tags: