Wolbachia- Giấc mơ loại trừ sốt xuất huyết thành hiện thực

12-06-2013 09:34 | Quốc tế

Giáo sư Scott O’Neill, nhà nghiên cứu côn trùng y học, từng được Chính phủ Australia trao tặng Huy chương Thế kỷ trong năm 2003 nhờ những đóng góp của ông trong nghiên cứu y học đã tới thăm Việt Nam.

Giáo sư Scott O’Neill, nhà nghiên cứu côn trùng y học, từng được Chính phủ Australia trao tặng Huy chương Thế kỷ trong năm 2003 nhờ những đóng góp của ông trong nghiên cứu y học đã tới thăm Việt Nam. Ông cũng là người dẫn đầu Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết Toàn cầu, với sự tham gia của đội ngũ nghiên cứu từ các nước Australia, Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Hoa Kỳ.

Wolbachia- Giấc mơ loại trừ sốt xuất huyết thành hiện thực 1
GS. Scott O’Neill, người đi tiên phong trong việc cấy wolbachia vào muỗi để ngăn ngừa truyền sốt xuất huyết sang người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) mỗi năm khoảng 50-100 triệu người. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, cho tới nay, số ca mắc thực tế đã lên tới 390 triệu người mỗi năm. Do đó, SXH đã trở thành gánh nặng toàn cầu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cư dân hành tinh nếu không có biện pháp ngăn ngừa hữu hiệu. Kể từ 50 năm trước, các nhà khoa học trên thế giới đã lao vào nghiên cứu để tìm ra một biện pháp hữu hiệu ngừa SXH. Khi đội ngũ các nhà khoa học Australia do GS. Scott O’Neill dẫn đầu công bố thực hiện thành công một phương pháp sinh học là cấy vi khuẩn wolbachia, một loài vi khuẩn xuất hiện ở 70% các loài côn trùng trong tự nhiên vào muỗi aedes aegypti để giảm khả năng truyền SXH sang người, thế giới như thấy một tia hy vọng để loại trừ căn bệnh này. Phát minh của ông đã được giới khoa học đánh giá như một giấc mơ 50 năm đã thành hiện thực. Có một điều cũng hết sức đặc biệt nữa là hiện nay trên thế giới, chỉ có khoảng 10 nhà khoa học có thể làm thao tác điêu luyện trong việc cấy vi khuẩn wolbachia vào trứng muỗi. Ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã bắt đầu thực hiện cấy vi khuẩn vào trứng muỗi để phối giống với muỗi tự nhiên, thay thế quần thể muỗi bằng muỗi mang tác nhân sinh học wolbachia, khiến cho loài muỗi này không còn khả năng truyền bệnh sang người. Nếu việc thay thế quần thể muỗi ở vành đai truyền bệnh trên toàn cầu tiến hành thành công, nó có thể giúp loại trừ sốt xuất huyết cho 2,5 tỷ cư dân trên hành tinh.

Phương pháp wolbachia còn có tiềm năng sử dụng cho các bệnh lây truyền do côn trùng khác gây ra. Lây nhiễm wolbachia cho các loài muỗi cũng làm giảm khả năng lây truyền các virus gây bệnh khác cho người như Chikungunya, sốt vàng da cũng như ký sinh trùng sốt rét.

Wolbachia- Giấc mơ loại trừ sốt xuất huyết thành hiện thực 2
Các nhà khoa học quốc tế thuộc chương trình Loại trừ SXH Toàn cầu tề tựu trên đảo Trí Nguyên, Nha Trang.
Chương trình Loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam được thiết lập từ năm 2006 dưới sự giám sát của Bộ Y tế. Năm 2007, đảo Trí Nguyên, cách cảng Nha Trang 2km đã được lựa chọn là nơi thí điểm đầu tiên ở Việt Nam. Ngày 3/4/2013, một thử nghiệm thực địa phương pháp khống chế SXH bằng Wolbachia đã khởi động trên đảo Trí Nguyên. Chương trình nhận sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế bao gồm Tổ chức Sức khoẻ Gia đình Quốc tế (FHI 360), Viện Nghiên cứu Y học Queensland, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford và Đại học Monash.
 

Wolbachia- Giấc mơ loại trừ sốt xuất huyết thành hiện thực 3
Giáo sư Scott O Neill. Ảnh: MC.
Giáo sư Scott O’Neill đã chia sẻ với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống xung quanh các ý tưởng và thành công của ông.

PV: Xin ông cho biết ý tưởng đưa vi khuẩn wolbachia vào muỗi để ngăn ngừa truyền SXH sang người đã nảy sinh như thế nào?

GS. Scott O’Neill: Tôi đã nghiên cứu vi khuẩn wolbachia từ 20 năm nay. Ban đầu, tôi quan tâm tới wolbachia bởi loài vi khuẩn này xuất hiện ở rất nhiều loài côn trùng. Wolbachia có trong sâu bướm, ruồi giấm và một số loài côn trùng khác, và điểm đặc biệt là những loài côn trùng này không hề truyền bệnh SXH. Chính vì vậy, mà khi còn nghiên cứu về gen di truyền học tại Hoa Kỳ, tôi đã ấp ủ ý tưởng cấy vi khuẩn wolbachia vào loài muỗi truyền SXH để xem điều gì thực sự sẽ xảy ra. Ban đầu, công nghệ còn không cho phép tôi thực hiện điều đó. Sau 4-5 năm cấy vi khuẩn wolbachia vào trứng muỗi thất bại, cuối cùng chúng tôi cũng đã thành công. Thật bất ngờ, vi khuẩn wolbachia cấy vào muỗi aedes aegypti truyền bệnh SXH, có vai trò như “vắcxin” của muỗi và làm giảm khả năng truyền SXH sang người. Từ đó, chúng tôi đã hình thành nên chiến lược phòng ngừa SXH, thông qua việc thay thế quần thể muỗi tự nhiên qua phối giống, thả muỗi được cấy tác nhân wolbachia trong phòng thí nghiệm vào tự nhiên để quần thể muỗi không còn khả năng gây bệnh cho cộng đồng nữa.

PV: Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của dự án Loại trừ Sốt xuất huyết toàn cầu thông qua tác nhân sinh học wolbachia ở Việt Nam cũng như ở cấp độ toàn cầu?

GS. Scott O’Neill: Điều tôi ấn tượng nhất ở Việt Nam là sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng trong dự án này. Tính khả thi của dự án này rất cao. Theo tôi, dự án tại Việt Nam đang phát triển rất tốt. Trong các năm tới, việc thay thế quần thể muỗi sẽ được tiến hành tại nhiều khu vực khác trên thế giới và tôi đánh giá tính khả thi rất cao.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư.

Bích Vân


Ý kiến của bạn