WikiLeaks tiết lộ thông tin về CIA: Cú sốc mới với Tổng thống Donald Trump?

10-03-2017 09:28 | Quốc tế

SKĐS - Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lo ngại về lỗ hổng an ninh tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), dẫn đến việc rò rỉ những tài liệu mà trang mạng WikiLeaks đã công bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lo ngại về lỗ hổng an ninh tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), dẫn đến việc rò rỉ những tài liệu mà trang mạng WikiLeaks đã công bố.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 9/3, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump  sẽ mạnh tay giải quyết những lỗ hổng này. “Nếu những tài liệu này là thật thì đó chính là an ninh quốc gia Mỹ và chúng ta không thể để xảy ra sai sót. Tổng thống từng nói rằng bất cứ ai để rò rỉ thông tin mật sẽ bị xử theo cấp độ cao nhất của luật pháp. Chúng tôi sẽ lần ra những đối tượng để lộ thông tin và truy tố những người này theo luật pháp”.

Hàng triệu điện thoại bị nghe lén

Trước đó, trang mạng WikiLeaks hôm 7/3 đã công bố hàng nghìn tài liệu phơi bày các công cụ phần mềm tinh vi được CIA sử dụng để xâm nhập điện thoại thông minh, máy tính, thậm chí là tivi có kết nối internet. Nếu tài liệu này là xác thực, đây sẽ là bước đi mới nhất của WikiLeaks trong việc công khai các bí mật của Mỹ.

Những tài liệu này được CIA lưu hành trong khoảng thời gian từ năm 2013-2016. Trong đợt công bố đầu tiên, WikiLeaks đưa ra 7.818 trang web, với 943 file đính kèm. Toàn bộ dữ liệu của CIA liên quan đến hàng trăm triệu mã kết nối máy tính. Một tài liệu khác của WikiLeaks cho thấy, CIA và các cơ quan tình báo đồng minh nước ngoài đã tìm cách phá mã khóa trên các điện thoại thông dụng, những dịch vụ tin nhắn dựa trên các ứng dụng như Signal, WhatsApp và Telegram. Theo tuyên bố của WikiLeaks, các tin tặc Chính phủ có thể xâm nhập điện thoại sử dụng hệ điều hành Android và thu thập “âm thanh, tin nhắn trước khi chúng được mã hóa”.WikiLeaks công bố nhiều tài liệu mật gây rúng động về CIA.

WikiLeaks công bố nhiều tài liệu mật gây rúng động về CIA.

Nhiều chi tiết liên quan đến các chương trình theo dõi khác của CIA cũng được tiết lộ. Một trong số này là phần mềm có mã định danh Weeping Angel, sử dụng tivi thông minh Samsung như là một thiết bị để nghe lén. Ngay cả khi người dùng đã bấm nút tắt, tivi vẫn hoạt động như một “rệp điện tử, thu các lời thoại trong phòng và gửi qua đường internet về một máy chủ của CIA”.

Những tài liệu này được gọi tên là Vault 7, đã được phổ biến trong giới tin tặc thuộc Chính phủ Mỹ. Hiện tại, mức độ xác thực của những tài liệu do WikiLeaks công bố vẫn chưa được chứng nhận, song giới chuyên gia đã bắt đầu sàng lọc những tài liệu do WikiLeaks công bố. Giới chuyên gia nhận định, những tiết lộ của WikiLeaks nếu chính xác sẽ là cú sốc lớn đối CIA, đồng thời khiến nước Mỹ ít an toàn hơn. “Hiện tại, CIA chưa có bình luận gì về tính chân thực của các tài liệu trên. Do vậy, tôi sẽ không bàn luận là liệu tiết lộ có đúng hay không. Tuy nhiên, nếu những thông tin mà tôi đọc được là đúng sự thật thì điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của CIA khi xét về những quy trình, cách thức mà cơ quan này đang sử dụng” - cựu Giám đốc CIA Michael Hayden cho biết.

Trước đây, WikiLeaks cũng đã từng công bố những tài liệu mật của nhiều Chính phủ trên toàn thế giới, đặc biệt là Chính phủ Mỹ và những tài liệu mà WikiLeaks công bố được đánh giá có mức độ tin cậy cao. Ngay trong chiến dịch bầu cử Mỹ, trang thông tin WikiLeaks lại vừa công bố thêm 8.263 thư điện tử (e-mail) của các thành viên Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ Mỹ (DNC).

Báo chí quốc tế cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt tới vụ việc. Tờ The New York Times và Đài Phát thanh quốc gia NPR của Mỹ trích dẫn lời một chuyên gia an ninh mạng Jake William nói rằng, các biện pháp mà tình báo Mỹ sử dụng được tài liệu mới WikiLeaks công bố không nhằm vào người Mỹ và thường được sử dụng ở nước ngoài. Còn trang tin Deutsche Welle của Đức nói rằng, các nhân viên tình báo Mỹ thường được cấp hộ chiếu ngoại giao để xâm nhập vào quốc gia khác. Hãng tin này cũng cho biết, một đơn vị tình báo tối mật của Mỹ được đặt tại thành phố Franfurk (Đức) - nơi khởi nguồn cho các hoạt động bẻ mã khóa nhằm vào châu Âu, Trung Quốc và Trung Đông.


N.Quang
Ý kiến của bạn