Hà Nội

WHO: Việt Nam rất nỗ lực về vấn đề kháng thuốc

21-09-2017 10:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, ngày 21/9/2017. (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Thời gian qua, Bộ Y tế cùng các Bộ liên quan đã  phối hợp triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc. Các kết quả đạt được như: Tổ chức định kỳ tuần lễ truyền thông Phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam vào tháng 11 hằng năm; Xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; ban hành và khởi động đề án kiểm soát kê đơn và kháng thuốc theo đơn; Tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả; Hoàn thiện các quy chế chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; quy trình kỹ thuật trong khám, chữa bệnh….

Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc

Các đại biểu tham dự Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc. (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc.

chung tay phòng chống kháng thuốc

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các đối tác phát triển là WHO, FAO, CDC, OCCRU….đang  tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 (Kế hoạch năm 2013 mới chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa vào chương trình kế hoạch hàng năm của từng Bộ, Ban ngành, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương.

Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc

Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc. (Ảnh: Nguyễn Nhiên)

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cùng với sự tham gia tích cực của người dân, cán bộ y tế, cán bộ chuyên môn, chắc chắn công cuộc kháng thuốc của Việt Nam chắc chắn sẽ thu được kết quả tích cực.

Ngày 21/6/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2174/QĐ-BYT về Kế hoạch động quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013-2020 với mục tiêu: Nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc; Tăng cường, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; Bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân;Tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý ; Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn; Tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

Ngày 24/6/2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển ở Việt Nam đã cùng nhau ký kết Văn bản thỏa thuận đa ngành về Phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2803/QĐ-BNN-TY ngày 07/07/2016 về “Kế hoạch quản lý và giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc thú y giai đoạn 2016-2020”; . Ban hành lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích sinh trưởng (tại Thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT); Ban hành lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích phòng bệnh cho động vật (Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản); Thực hiện giám sát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản;
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và NTTS giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2625/QĐ-BNN-TY ngày 21/6/2017.... Các Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên &Môi trường đã vào cuộc triển khai các hoạt động cụ thể trong phòng chống kháng thuốc.


BV
Ý kiến của bạn