Dịch cúm gia cầm H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, hiện đã có 9 người nhiễm cúm H7N9, trong đó có 3 trường hợp tử vong và 5 bệnh nhân còn lại hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Trung Quốc đã cảnh báo người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh ở những nơi đông người.
Cúm H7N9 ít nguy hiểm hơn SARS
Danh sách các bệnh nhân bị nhiễm cúm H7N9 tại Trung Quốc ngày càng tăng lên, các quan chức Trung Quốc đặc biệt lo ngại khi dịch cúm nguy hiểm này lại trùng với dịp Tết thanh minh từ ngày 4-6/4, dịp mà người dân các nước châu Á thường thờ cúng tổ tiên bằng thịt gia cầm. Giám đốc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc Feng Zijian đã khuyến cáo người dân không nên sử dụng thịt gia cầm trong dịp lễ này. Đồng thời ông cũng lên tiếng bác bỏ khả năng dịch cúm lần này lan rộng như dịch SARS 10 năm trước bởi không mối liên hệ nào giữa các trường hợp H7N9 với những người khác.
Phóng viên đã liên lạc với chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cơ quan này cũng khẳng định, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe Trung Quốc cùng đại diện WHO tại Trung Quốc đã chính thức công bố những trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người vào ngày 31/3 /2013. CDC Trung Quốc cho biết, 3 trường hợp người bị nhiễm virus H7N9 đã được phòng thí nghiệm xác nhận vào ngày 29/3. Một cuộc điều tra đang được tiến hành, bao gồm cả việc theo dõi những người có tiếp xúc với các trường hợp trên. Cho đến nay, không có liên hệ dịch tễ học nào giữa 3 trường hợp đã được báo cáo. Tại thời điểm này, không có bằng chứng về việc lây truyền virus từ người sang người.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vẫn cho rằng chưa tìm thấy chủng virus H7N9 trên động vật bao gồm cả gia cầm và lợn. Lợn chết trên các dòng sông ở Trung Quốc từng là thủ phạm được cho là gây dịch cúm này nhưng hiện đã bị loại trừ. Các chuyên gia y tế đang đặt ra giả thiết có thể virus H7N9 này là từ loài chim di trú.
Trước tình trạng này, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp giám sát du khách đến từ các nơi có dịch. Việt Nam cũng lo ngại dịch bệnh có thể xuất hiện bởi Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc và tình trạng nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc còn rất phổ biến. Bộ Y tế Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị giám sát chặt những ca nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng. Trả lời câu hỏi của báo Sức khỏe và đời sống về mức độ nghiêm trọng của dịch cúm H7N9 lần này, đại diện WHO Việt Nam cho rằng “WHO đặc biệt quan tâm đến vấn đề này bởi nó là những trường hợp nhiễm bệnh do virus cúm gia cầm H7N9 trên người đầu tiên được báo cáo. Tuy nhiên đây chỉ là một số ít các trường hợp và được xác định trong một khu vực, một địa phương nhất định. Thêm nữa chưa có bằng chứng lây từ người sang người”.
WHO Việt Nam đã thông báo về việc mà WHO đang tiến hành nhằm đối phó dịch bệnh, đó là các chuyên gia của WHO đang tiếp tục điều tra và theo dõi diễn biến dịch bao gồm mức độ dịch bệnh bùng phát, nguồn lây nhiễm, phương thức truyền dẫn. Để đối phó với loại virus chưa từng xuất hiện trên người này, WHO Việt Nam khuyến cáo “ngay khi xuất hiện các trường hợp nhiễm bệnh cần có các biện pháp điều trị lâm sàng tốt, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát một cách thận trọng khu vực xuất hiện dịch để có thể khoanh vùng thêm các trường hợp liên quan. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là phòng ngừa, không tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm không an toàn, chỉ sử dụng các sản phẩm đã qua nấu chín. Virus cúm gia cầm được bất hoạt ở nhiệt độ cao qua nấu chín thức ăn. Cho đến nay, không có bằng chứng dịch tễ học nào cho thấy người sử dụng sản phẩm gia cầm chín bị lây nhiễm với virus cúm gia cầm”.
Hải Yến