Như Sức khoẻ và Đời sống đã đưa tin, chiều nay (22/8) đã diễn ra hội nghị hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024" với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh" và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine Sởi do Bộ Y tế và WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) phối hợp tổ chức.
Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, với nguy cơ bùng phát dịch sởi trên thế giới cũng như tại Việt Nam, Bộ Y tế đã phối hợp với WHO tại Việt Nam và UNICEF xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, với hơn 1 triệu liều vaccine.
Phát biểu tại hội nghị, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: Kể từ khi Việt Nam triển khai mạng lưới tiêm chủng mở rộng vào năm 1981 và tiếp cận tất cả các xã trên cả nước, hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như bại liệt, sởi, uốn ván và bạch hầu.
"WHO chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì những thành công trong công tác chỉ đạo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia suốt những thập kỷ vừa qua. Chúng tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các nhân viên y tế đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đảm bảo trẻ em trong cộng đồng được hưởng những lợi ích mang tính chuyển đổi của vaccine"- TS Angela Pratt nói.
Theo TS Angela Pratt, để duy trì thành công của chương trình tiêm chủng mở rộng trong 50 năm tới, cần tiếp tục tăng và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia bị gián đoạn công tác tiêm chủng thường xuyên, ảnh hưởng đến mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng cao.
"Tại Việt Nam, hàng trăm nghìn trẻ em không được tiêm chủng từ năm 2021 do những gián đoạn liên quan đến đại dịch và tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine gần đây. Điều này dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em giảm mạnh chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua"- TS Angela Pratt nói và bày tỏ lo ngại: Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng - bao gồm bệnh bạch hầu và ho gà, cùng với mối lo ngại về nguy cơ bùng phát bệnh sởi trên diện rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình, cộng đồng và cả nước.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh: Vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết bởi chúng ta biết rõ giải pháp và những hành động có thể cùng nhau thực hiện để đẩy lùi nguy cơ.
"Tôi đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quốc hội cũng như cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế trong năm vừa qua để giải quyết nguồn cung vaccine. Tôi tin rằng cũng với sự lãnh đạo và cam kết quyết liệt như vậy, chúng ta sẽ có thể ứng phó với các đợt bùng phát bệnh sởi ở một số tỉnh hiện nay cũng như nguy cơ bùng phát ở những địa phương khác, từ đó ngăn chặn lây truyền trên diện rộng"- TS Angela Pratt bày tỏ.
Tại hội nghị, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam thông tin, để hỗ trợ nỗ lực này, WHO đã hoàn tất việc mua sắm khẩn cấp hơn 1 triệu liều vaccine sởi-rubella để ứng phó với dịch bệnh và tiêm chủng tăng cường tại các khu vực có nguy cơ cao nhất.
"Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cũng như các nhà tài trợ khác đã giúp cho hoạt động mua sắm này trở thành hiện thực. Chúng tôi sẽ vẫn luôn sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Y tế trong nỗ lực ứng phó với tình hình hiện tại theo mọi cách có thể - cũng như củng cố hệ thống để tránh các đợt bùng phát trong tương lai, bao gồm giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine ứng phó với dịch bệnh và tăng cường năng lực chuẩn bị sẵn sàng nói chung"- TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Theo Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, thời gian sắp tới đây là cơ hội để chúng ta giữ vững cũng như tạo nên những thành tựu tiếp theo cho câu chuyện thành công của tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam – trước hết bằng cách ứng phó với nguy cơ hiện nay do bệnh sởi gây ra; và sau đó là thông qua cam kết và hành động bền vững để đảm bảo độ bao phủ rộng khắp của các loại vaccine tiêm chủng mở rộng hiện có trong tương lai.
Bên cạnh đó, TS Angela Pratt chia sẻ: WHO cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam đưa các loại vaccine mới vào chương trình để mở rộng khả năng bảo vệ của vaccine cho nhiều người hơn và chống lại nhiều bệnh tật hơn, bảo vệ người già khỏi bệnh cúm, bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh khỏi uốn ván và ho gà, bảo vệ thanh thiếu niên khỏi HPV (virus gây ung thư cổ tử cung) cũng như bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các bệnh nhiễm do rotavirus và phế cầu khuẩn.
Tại hội nghị Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nêu ý kiến với các tỉnh thành có các chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt các phương án chống dịch kịp thời.
Cũng quan tâm về dịch bệnh sởi, bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ: dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào thời điểm học sinh quay trở lại trường trong tháng 9.
Theo bà Silvia Danailov, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong phòng chống dịch sởi. Tuy nhiên, việc đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vaccine, cũng như công tác tiêm chủng vaccine. Điều này tạo ra khoảng trống vaccine ở nhiều trẻ em Việt Nam.
Thực tế, trong những tháng vừa qua, dịch sởi đã bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam, đặc biệt là TPHCM.
"Chúng ta cần triển khai kịp thời các biện pháp để kiểm soát dịch sởi, đặc biệt là tiêm chủng vaccine. Chúng tôi khuyến khích tất cả các tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng này là ưu tiên hàng đầu. Trẻ em sắp quay lại trường học vào tháng 9 và có thể khiến dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn"- bà Silvia Danailov nói.
Đối với UNICEF, đảm bảo vaccine cho mọi trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế để đảm bảo tiếp cận công bằng với các loại vaccine hiện có, đưa vaccine tới với những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất và giới thiệu các loại vaccine mới vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, bắt đầu với vaccine Rota vào tháng tới.