WHO và CDC: Rất khó tiên đoán MERS-CoV có vào Việt Nam hay không

03-06-2015 19:55 | Thời sự

SKĐS - Các chuyên gia WHO và CDC cho rằng, rất khó tiên đoán là bệnh MERS-CoV có vào Việt Nam hay không, do vậy Việt Nam cần tuyên truyền cho nhân viên y tế tự phòng vệ cho mình.

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp Văn phòng EOC, Bộ Y tế nhằm đáp ứng ngăn chặn bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

Theo thông tin mới nhận được, tính đến ngày 3/6/2015 đã có 1.174 ca mắc, 442 ca tử vong tại 26 quốc gia trên thế giới, chủ yếu tại vùng Trung Đông. Trong đó tại Hàn Quốc ghi nhận 30 trường hợp mắc và 2 trường hợp tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp khẩn cấp Văn phòng EOC nhằm đáp ứng dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam, sáng 3/6/2015.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp khẩn cấp Văn phòng EOC nhằm đáp ứng dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam, sáng 3/6/2015.

Trước thông tin và tình hình dịch bệnh MERS - CoV diễn biến hết sức phức tạp tại Hàn Quốc, ngành y tế nước này đã và đang tích cực trong công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh MERS – CoV bằng các biện pháp như: Lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần nhất với các trường hợp nhiễm bệnh; Tăng cường các biện pháp kiểm soát thân nhiệt tại cửa khẩu; Cấm tạm thời những người trong diện theo dõi xuất ngoại; Tăng cường công tác truyền thông tới người dân; Tăng cường năng lực cho phòng xét nghiệm trong bệnh viện.

Tại cuộc họp, các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã có những phân tích, đánh giá nguy cơ dựa trên tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia châu Á (Hàn Quốc) và đưa ra các giải pháp phòng chống dịch, quyết tâm không để dịch bệnh MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

Theo đại diện WHO và CDC, bệnh MERS-CoV diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây. Tuy nhiên chưa có bất kể một bằng chứng nào chứng minh về sự lây nhiễm giữa người với người. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là do lây nhiễm trong môi trường bệnh viện. Bên cạnh đó bệnh MERS – CoV lại diễn biến phức tạp, thời gian ủ bệnh tới 14 ngày nên rất khó cho việc phát hiện sớm. Do vậy theo WHO và CDC, Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh này. Các chuyên gia cũng cho rằng, rất khó tiên đoán là bệnh có vào Việt Nam hay không, do vậy Việt Nam cần tuyên truyền cho nhân viên y tế tự phòng vệ cho mình.

Hành khách khi nhập cảnh phải khai báo y tế nghiêm ngặt tại cửa khẩu sân bay (ảnh chụp chiều 2/6/2015).

Hành khách khi nhập cảnh phải khai báo y tế nghiêm ngặt tại cửa khẩu sân bay (ảnh chụp chiều 2/6/2015).

Sau khi lắng nghe những chia sẻ của WHO và CDC, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các đơn vị thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh này.

Cụ thể, Vụ truyền thông thi đua khen thưởng cần phối hợp với các đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí cập nhật thường xuyên, liên tục, cũng như gửi các khuyến cáo đến người dân, người Hàn Quốc nhập cảnh và người dân đi du lịch từ Hàn Quốc về sau 14 ngày có xuất hiện ho sốt cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra, theo dõi.

Cục Y tế dự phòng và Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế tăng cường các công tác tuyên truyền và thực hành giám sát cho các nhân viên y tế. Tổ chức tập huấn, diễn tập các tình huống và phương pháp xử lý khi có trường hợp xấu xảy ra phải đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện, và trong môi trường khám chữa bệnh. Thực hành dự phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế, nếu có trường hợp sốt do đi từ vùng có dịch về phải có khu vực riêng để người đó di chuyển, tránh để trường hợp người bệnh đi qua các khu vực khám chữa bệnh đông người. Tập huấn cho các cán bộ cũng như nhân viên y tế tăng cường đưa các khuyến cáo tới người dân, để người dân cùng hợp tác. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần chuẩn bị và hướng dẫn xét nghiệm với các trường hợp sốt khi đi từ vùng có dịch về.

Hành khách khi nhập cảnh được theo dõi bởi máy đo thân nhiệt, nếu có phát hiện bất thường sẽ được chuyển tới phòng khám và kiểm tra (ảnh chụp chiều 2/6/2015).

Hành khách khi nhập cảnh được theo dõi bởi máy đo thân nhiệt, nếu có phát hiện bất thường sẽ được chuyển tới phòng khám và kiểm tra (ảnh chụp chiều 2/6/2015).

Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào, tuy nhiên khả năng bệnh xâm nhập cao do có nhiều công dân Việt Nam đi lao động, công tác tại vùng có dịch trở về và những công dân từ nước khác đi qua vùng có dịch đến Việt Nam. Hiện nay ngành y tế Việt Nam đã và đang tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV. Các tờ khai y tế và kiểm soát thân nhiệt được thực hiện và kiểm tra nghiêm ngặt tại cửa khẩu sân bay. Bên cạnh đó để làm tốt các biện pháp phòng bệnh và nâng cao ý thức chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân, người dân khi đi từ vùng có dịch về cần hợp tác và khai báo thành khẩn khi có bất kì dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe.

Các thông tin chính thức sẽ thường xuyên cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế: http://moh.gov.vn và trang thông tin của Cục Y tế dự phòng: http://vncdc.gov.vn . Cũng như chia sẻ trên Fanpage Bộ trưởng Bộ Y tế: https://www.facebook.com/botruongboyte.vn .

PV

 

 


Ý kiến của bạn