Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp, quy tụ các chuyên gia y tế đến từ nhiều nước khác nhau để tìm ra giải pháp chống lại Corona, một loại virut bí ẩn, có khả năng gây đại dịch như SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng).
Trong nghiên cứu mới công bố trên tạp chí uy tín New England Journal of Medicine, nhóm nhà khoa học của Arập Xêút, Mỹ, Canada và một số nước khác khẳng định hội chứng viêm hô hấp cấp Trung Đông (MERS) do loại virut này gây ra không chỉ lây từ người sang người, mà còn từ bệnh nhân sang môi trường bệnh viện. GS. Trish Perl của Trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu cho biết kết quả điều tra cho thấy hai căn bệnh “có những điểm giống nhau khó tin”, vì cả hai “đều là những virut rất nguy hiểm và dễ lây truyền từ người sang người, thậm chí từ cơ sở y tế này đến cơ sở y tế khác”. Họ đã phát hiện ra rằng, việc chuyển viện hoặc chuyển khoa của 9 bệnh nhân vào thời điểm mới phát dịch có thể là nguyên nhân khiến nhiều người khác bị lây nhiễm. Mặc dù chưa xác định được cơ chế MERS lây lan, nhưng các nhà khoa học cho rằng, bệnh nhân đang nằm trong các khu điều trị có hệ miễn dịch rất yếu và dễ bị tổn thương trước sự xâm nhập của các loại vi khuẩn hay virut, trung chuyển qua chính các nhân viên y tế. Một phát hiện khác được ghi nhận là bệnh MERS cho đến thời điểm này, mặc dù có số người mắc thấp hơn bệnh SARS nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều.
Virut Corona có nguy cơ lây lan toàn cầu. |
Hội chứng MERS gây các triệu chứng ho, sốt và viêm phổi, đã lan từ vùng Vịnh sang Pháp, Đức, Italy, Tunisia và Anh. WHO cho biết đã có ít nhất 38 người chết trong số 64 ca nhiễm bệnh. WHO ước tính rằng các dịch vụ y tế trên toàn thế giới phải được đặt trong “giai đoạn cảnh báo” vì virut Corona có khả năng dẫn đến một đại dịch như cúm gia cầm do virut cúm A/H5N1. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhất là Ảrập Saudi chủ yếu ở các tỉnh phía Đông của Al Ahsa.
“Có một mối lo ngại lớn trên phạm vi quốc tế liên quan đến các bệnh nhiễm trùng bởi vì các virut có thể lây lan trên toàn cầu”, WHO cho biết.Theo tổ chức này, “virut được truyền từ nước này sang nước khác thông qua du khách”. Chính vì vậy, “tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải bảo đảm rằng các nhân viên y tế của họ nhận thức được mức độ nguy hiểm của virut, căn bệnh mà nó gây ra và trong trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân, cần phải xác định xem có phải nhiễm MERS-CoV hay không”. WHO cho biết, các trường hợp nhiễm virut đã được xác định tại Anh, Pháp, Ðức và Italy bắt nguồn từ những người đi du lịch trở về. Các triệu chứng của MERS-CoV là ho, sốt hoặc phát triển bệnh viêm phổi. |
Corona gây MERS hiện được coi là hiểm họa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng thế giới. Trung tuần tháng 6, thế giới ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì Coronavirus gây MERS. Mặt khác, hàng triệu người hành hương Hồi giáo dự kiến sẽ đổ về Arập Xêút dịp thánh lễ Ramadan thường niên. “Mọi người đều nhận thức rất rõ rằng, lễ Ramadan sẽ bắt đầu từ tháng tới và sẽ có một lượng người vô cùng đông đảo đổ về những địa điểm rất nhỏ hẹp. Vì vậy, chúng ta cần hiểu rõ về MERS trước khi sự kiện đó bắt đầu”, Gregory Hartl - Phát ngôn viên của WHO tuyên bố. Nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng tăng lên khi vào tháng 11 tới đây, hơn 2 triệu người dự kiến sẽ tham gia cuộc hành hương Hajj tới thánh địa Mecca ở Trung Đông. Nhiều chuyên gia thậm chí lo ngại rằng, du khách có thể mang virut MERS trở về quê hương họ vì loại virut này có thời gian ủ bệnh tới 12 ngày và tỉ lệ gây tử vong khoảng 60%.
Theo TS. Jon Bible, chuyên gia lâm sàng đã điều trị cho 1 trong 3 người Anh nhiễm MERS, các bệnh nhân lúc nào cũng trong tình trạng cận kề cái chết. Họ luôn bị khó thở giống như mắc bệnh viêm phổi rất nặng. Bệnh nhân của ông đã sống sót sau nhiều tháng cần hỗ trợ hô hấp nhân tạo và đến giờ vẫn gặp khó khăn trong việc thở. Điều tạm yên lòng đối với các nhà chức trách là, virut Corona gây MERS vẫn chưa biến đổi để có khả năng lây truyền dễ dàng từ người sang người.
Lê Sơn
(Theo New England Journal of Medicine, WHO)