WHO: Tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng ở Viêt Nam thấp hơn ngưỡng cho phép

03-07-2015 11:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là đánh giá của đoàn chuyên gia của Tổ chức y tế Thế giới sau khi có đợt giám sát về Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, trong đó có chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella.

 

Việc giám sát tập trung vào các hoạt động xem xét về quản lý, bảo quản vắc xin; việc tổ chức thực hiện quy trình an toàn tiêm chủng.

Theo ông Sergey Diorditsa, chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO), phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực Tây Thái Bình Dương, đây là chuyến đi rất quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả của tiêm chủng mở rộng, trong đó có giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng. Nó cần được thực hiện 1-5 năm/lần. Đánh giá này rất quan trọng để khẳng định Việt Nam có đủ năng lực cho duy trì hoạt động tiêm chủng đẩy đủ với tỷ lệ cao, và đủ điều kiện cho thúc đẩy tiêm chủng mở rộng mạnh mẽ hơn, phát triển thêm các vắc xin mới trong thời gian tới.

Ông Sergey Diorditsa cho biết, chúng tôi đã đi đến tuyến huyện và xã, nhận thấy công tác tổ chức tiêm chủng thường xuyên tại xã rất tốt. Các trẻ đều được khám trước tiêm, được theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm để kịp thời xử lý nếu có phản ứng.

Cán bộ y tế xã có vai trò tích cực, công tác nhiệt tình; họ ghi chép sổ tiêm chủng rất đầy đủ, kẻ cả ngày tháng năm sinh giúp các bé được tiêm đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vắc xin đạt khoảng 93-95%, là tỷ lệ rất cao. Đó là những minh chứng rất khách quan cho thấy tiêm chủng mở rộng đang được triển khai tốt, hiệu quả.

Chuyên gia của WHO giám sát triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại trường TCHS Hải Đông, TP. Móng cái, tỉnh Quảng Ninh
Ảnh:CT TCMR

Chuyên gia của WHO giám sát triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại trường TCHS Hải Đông, TP. Móng cái, tỉnh Quảng Ninh Ảnh:CT TCMR

Đối với chương trình tiêm chủng vắc xin sởi- rubella, sau khi đi khảo sát một số tỉnh, thành phố của Việt Nam tại 6 địa phương được lựa chọn ngẫu nhiên và hỏi trực tiếp các nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng, đoàn chuyên gia của Tổ chức thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh, chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella của Việt nam là an toàn,

Chiến dịch này triển khai vào giữa tháng 10/2014 và kết thúc vào tháng 5/2015. Chiến dịch này đã tiêm chủng cho gần 20 triệu trẻ em 1-14 tuổi tại gần 20.000 xã phường. Liên quan đến những tai biến sau tiêm chủng, đại diện WHO khẳng định, tiêm vắc xin là can thiệp từ bên ngoài vào nên tỷ lệ tai biến sau tiêm chủng là có và hiện tỷ lệ này là 1/1 triệu. Chiến dịch đã ghi nhận hơn 8000 trường hợp phản ứng sau tiêm chủng như sốt nhẹ, đau đầu, thấp hơn tỷ lệ cho phép của nhà sản xuất… và không có tai biến nguy hiểm nào xảy ra.

“Tỷ lệ tiêm chủng đạt 95-98%, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm. Đây là một kết quả quá tuyệt vời mà không phải nước nào cũng đạt được”- ông Sergey Diorditsa chia sẻ

Cùng với chiến dịch tiêm vắc xin rubella cho các trẻ 9-14 tuổi, các hoạt động này là tiền đề cho việc thanh toán bệnh Rubella tại Việt Nam Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục duy trì thành quả quả thanh toán bệnh bại liệt, đưa vắc xin này vào tiêm chủng thường xuyên.

Đợt kiểm tra khách quan lần này cho thấy tiêm chủng mở rộng của Việt Nam bao gồm quản lý vắc xin, dây truyền lạnh, tổ chức tiêm chủng, an toàn tiêm chủng rất tốt.

Về chất lượng vắc xin ông Sergey Diorditsa khẳng định, tất cả vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có chất lượng đảm bảo. Hầu hết các vắc xin được mua qua GAVI, UNICEF đều đã được WHO tiền kiểm định chất lượng. Còn vắc xin sản xuất tại Việt Nam chất lượng hoàn toàn đảm bảo. Vừa qua, cơ quan quốc gia về quản lý vắc xin của Việt Nam đã được WHO cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn, vắc xin của Việt Nam sẽ xuất khẩu,cung cáp cho toàn cầu.

Bời vậy, tôi có thể nói với các bà mẹ Việt Nam hoàn toàn yên tâm về chất lượng vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, chất lượng tốt. Các bà mẹ đừng bỏ lỡ và đường quên cho các con của mình đi tiêm chủng.

Ông Sergey Diorditsa cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho có tiêm chủng. Khi chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục phát triển mở rộng thêm các vắc xin mới trong tương lai cần được quan tâm, đầu tư lớn hơn nữa.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn