WHO: Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu sắp đạt mức cao nhất

17-04-2021 10:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo, trên thế giới, số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi tuần đã tăng gần gấp đôi trong 2 tháng qua, tiến gần đến tỷ lệ lây nhiễm cao nhất mà chúng ta từng chứng kiến kể từ khi bùng phát đại dịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, nguyên nhân của tình trạng gia tăng các trường hợp nhiễm mới là do các biến thể của virus đẩy mức độ lây lan dịch bệnh mạnh hơn,  việc áp dụng các biện pháp phòng dịch không nhất quán, sớm nới lỏng các biện pháp y tế công cộng phòng ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh đó, người dân quá mệt mỏi với các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội và sự bất bình đẳng đáng kể trong việc bao phủ vắc xin cũng là những nguyên nhân khiến dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng.

Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sĩ

Người đứng đầu WHO cho biết, các ca mắc mới và tử vong do COVID-19 đang tiếp tục gia tăng với tỷ lệ đáng lo ngại. Tổng giám đốc WHO  Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại một cuộc họp cấp bộ trưởng rằng, một số quốc gia trước đây đã tránh được sự lây lan của dịch bệnh trên diện rộng thì nay đang chứng kiến số ca mắc và tử vong tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê, trên toàn thế giới, số ca nhiễm COVID-19 mới mỗi tuần đã tăng gần gấp đôi trong 2 tháng qua, tiến gần đến tỷ lệ lây nhiễm cao nhất cho đến nay trong đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới đã phát đi cảnh báo ngày 16/4.

Người dân Bỉ ra đường luôn gắn với chiếc khẩu trang phòng bệnh

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Công bằng vắc-xin là thách thức hiện nay. Và chúng tôi đang thất bại”. Thống kê của WHO đã chỉ ra rằng, trong số hơn 832 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng trên toàn cầu, hơn 82% đã được chuyển đến  các quốc gia có mức thu nhập trung bình hoặc cao, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ nhận được 0,2% số liều vắc xin.

Việc phân phối vắc-xin không công bằng không chỉ phản ánh những vấn đề về mặt đạo đức mà còn là sự tự hủy hoại về mặt kinh tế và dịch tễ học. Khi dịch bệnh càng lây truyền nhiều, càng xuất hiện nhiều biến thể. Nếu càng có nhiều biến thể xuất hiện, nó sẽ càng không  có tác dụng trước vắc xin. Đây là nhận định của người đứng đầu WHO.

Về các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, Tổng giám đốc WHO Tedros  đã kêu gọi các quốc gia ngay lập tức tài trợ các liều vắc-xin vượt quá nhu cầu của họ cho COVAX, tăng cường sản xuất vắc-xin bằng cách cấp giấy phép từ bỏ một số điều khoản về sở hữu trí tuệ và đầu tư ….

Nhiều người Pháp xếp hàng chờ đến lượt được tiêm vắc xin tại một Trung tâm tiêm chủng

Người đứng đầu WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia thực hiện kết hợp các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh dựa trên bằng chứng, bao gồm giám sát, xét nghiệm, truy vết, kiểm soát và điều trị hiệu quả COVID-19.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần ban hành các khuyến nghị,  khuyến khích  người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, chẳng hạn như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, vệ sinh tay và thông gió, để giữ an toàn cho bản thân và những người khác, ông Tedros nói.

 >>>>> Xem thêm: WHO: Đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc

Tiêm vắc xin chậm trễ, WHO cảnh báo châu Âu

14 quốc gia bày tỏ quan ngại báo cáo về nguồn gốc gây COVID-19 của WHO 


Hải Yến
Ý kiến của bạn