WHO: Trào lưu chống vắcxin là mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầu

02-05-2019 16:53 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Những ngày gần đây chủ đề tiêm chủng và vắcxin đang trở thành đề tài nóng, đặc biệt, trào lưu chống vắcxin (anti vắcxin). Do mối nguy hiểm của nó tổ chức y tế thế giới (WHO) coi đây là mối đe dọa mới đối với sức khỏe toàn cầu.

1. Vì sao chống vắcxin là mối đe dọa sức khỏe mới?

Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố danh sách các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Bao gồm biến đổi khí hậu, HIV, Ebola, tình trạng kháng thuốc và có thêm một mối đe dọa mới, trào lưu chống vắcxin. Theo WHO, trong quá khứ, các loại bệnh truyền nhiễm đã cướp đi nhiều sinh mạng người hơn so với các loại bệnh không truyền nhiễm như bệnh ung thư, đái tháo đường và bệnh tim. Thành tựu này có được là nhờ vắcxin, ngoại trừ bệnh cúm.

Thế giới sẽ ra sao nếu tiêm chủng không tồn tại? WHO ước tính có trên 3 triệu người thiệt mạng mỗi năm, song nhờ việc ra đời vắcxin mà hàng triệu người đã được cứu sống. Trào lưu chống vắcxin là hòn đá tảng khổng lồ ngáng đường khiến các loại bệnh tưởng chừng như đã “tuyệt diệt” đang ngo ngoe bùng phát trở lại, mà đúng ra có thể phòng ngừa được.

Những người chống vắcxin chưa hiểu hết cái lợi của tiêm phòng, họ chỉ nghe đồn hoặc thiển cận nhìn vào vài sự cố nhỏ. Đó là lý do tại sao WHO liệt trào lưu chống vắcxin là một mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầu.

WHO: Trào lưu chống vắcxin là mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầuẢnh minh họa

2. Vắcxin có tác dụng ngăn ngừa bệnh đái tháo đường týp 1

Rotavirus (RV) là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy nặng đe dọa tính mạng con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Đầu thế kỷ 21, các nhà khoa học Úc phát hiện thấy thấy các dấu hiệu miễn dịch trong bệnh đái tháo đường týp 1 (T1D) lại có sự tương đồng kỳ lạ với RV. Những năm tiếp theo, khoa học còn phát hiện thêm virus này khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, cơ quan này đóng một vai trò quan trọng ở người mắc bệnh đái tháo đường.

Năm 2007, Úc đưa ra một chương trình tiêm chủng chống lại RV bằng cách sử dụng hai chất lỏng uống. Nó không liên quan gì đến việc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường, nhưng vào năm 2019, các nhà khoa học đã phát hiện một kết quả bất ngờ. Trong khi chẩn đoán nhi khoa T1D tăng trên toàn cầu nhưng ở Úc lại giảm mạnh.

Trong nhóm từ 0 đến 4 tuổi đã giảm tới 14%, kết quả này có được là do Úc đưa vào sử dụng vắcxin RV bằng đường uống. Bước đột phá mang tính bí ẩn nói trên chưa được giải mã cụ thể. Các nhà khoa học không rõ hiệu ứng này là vĩnh viễn hay tạm thời nhưng chắc chắn RV có vai trò không nhỏ, tác động tới căn bệnh T1D ở trẻ nhỏ.

3.  Italia ban hành luật tiêm chủng bắt  buộc

Đó là luật Lorenzin (Lorenzin Law) được chính phủ Italia thông qua trong năm 2019. Theo Lorenzin, tất cả trẻ em từ 6 tuổi trở xuống phải tiêm chủng bệnh bại liệt, sởi, thủy đậu, rubella và quai bị. Nếu cha mẹ không cung cấp bằng chứng, họ có thể bị phạt tới 500 euro (hay 560 USD, tương đương 12,8 triệu VNĐ); nếu không tiêm con cái sẽ bị cấm đi học.

WHO: Trào lưu chống vắcxin là mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầuWHO: Trào lưu chống vắcxin là mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầuTheo luật tiêm chủng bắt buộc Lorenzin, trẻ không tiêm chủng không được đến trường

Trẻ lớn hơn vẫn có thể tham dự tiêm chủng, nhưng cha mẹ vẫn có thể bị phạt nếu con đến trường mà không được cấp phép. Mặc dù hợp pháp và hình phạt bằng tiền, nhưng vẫn còn nhiều gia đình không tuân thủ. Chỉ riêng ở Bologna, 5.000 trẻ em không được cập nhật các mũi tiêm theo quy định, 300 trẻ bị đình chỉ đến nhà trẻ, và do không chấp hành luật nên sang tháng 3/2019 bệnh sởi đã tăng đột biến.

WHO khuyến cáo tỷ lệ chủng ngừa vắcxin nên đạt trên mức 95% để ngăn ngừa bệnh biến thành dịch. Ngay lập tức luật Lorenzin được cập nhật từ tháng 3/2019 nâng tỷ lệ trẻ em sinh năm 2015 phải tiêm vắcxin lên 95%.

4. Vắcxin đậu mùa bí ẩn

Trong nhiều thế kỷ, bệnh đậu mùa đã được nhân loại thanh toán. Năm 1796, một bác sĩ người Anh tên là Edward Jenner tình cờ gặp một công nhân vắt sữa tên là Sarah Nelmes và phát hiện thấy người phụ nữ và các đồng nghiệp của bà có dấu hiệu mắc bệnh đậu mùa trên tay. Trong một động thái tuyệt vọng và phi đạo đức, Edward Jenner đã lấy mủ từ tay Sarah tiêm vào một cậu bé tên là James Phipps. Sau đó, tiêm liều thứ hai gây bệnh đậu mùa và thật ngạc nhiên  cậu bé này hoàn toàn khỏe mạnh.

Sau giai đoạn này một loại vắcxin đã được phát triển từ động vật nhiễm bệnh đậu mùa. Vào năm 1980, người ta đã công bố bệnh đậu mùa chính thức được thanh toán. Khi khoa học hiện đại nghiên cứu cách thức vắcxin tiến hóa, và phát hiện thấy phiên bản ban đầu không giống với đậu mùa ở súc vật (cowpox), có vẻ như bệnh đậu mùa ngựa (horsepox) đã xuất hiện ở  một nơi nào đó. Điều này thật đáng lo ngại, trừ khi các nhà khoa học sáng tỏ sự tiến hóa của virus, các động vật có liên quan và quá trình sản xuất vắcxin, còn không thế giới hiện đại vẫn phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát.

Bệnh đậu mùa cuối cùng được “lưu kho” trong hai phòng thí nghiệm, nhưng nguy cơ phát tán có thể xảy ra bất cứ khi nào do sự cố của con người hoặc do khủng bố sinh học gây ra.

5. Trường hợp Ethan Lindenberger

Ethan Lindenberger được sinh ra trong một gia đình ở bang Ohio, Mỹ, có cha mẹ là người mang tư tưởng bài vắcxin. Bằng nghiên cứu riêng của mình, Lindenberger đã phát hiện thấy lợi ích sức khỏe của việc tiêm chủng là rất lớn. Vì vậy khi bước sang tuổi 18, Ethan đã đến cơ quan y tế địa phương tiêm chủng mũi đầu tiên. Năm 2019, một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ đề cập dịch sởi ở vùng tây bắc Thái Bình Dương, Ethan Lindenberger được mời đến để kể câu chuyện của bản thân về lợi ích của việc tiêm phòng vắcxin.

Lindenberger cho hay mẹ anh đã bị ảnh hưởng bởi trào lưu chống vắcxin trực tuyến một cách nặng nề. Những người chống vắcxin (vaxxers) đã đưa ra những lý thuyết và thông tin sai lệch thay vì dựa vào các nghiên cứu khoa học và y tế, đặc biệt là lợi ích thiết thực của việc chủng ngừa vắcxin. Sau một thời gian nhận ra sự thật, cha Lindenberger đã ủng hộ sự lựa chọn của con, còn mẹ anh vẫn phản đối kịch liệt, thậm chí còn coi con là bất lễ.

Về phần mình, Ethan Lindenberger đã tự nghiên cứu và phát hiện thấy quyết định không tiêm vắcxin của bố mẹ anh là sai lầm, mặc dù nó xuất phát từ mối quan tâm chứ không phải do ác ý. Tuy nhiên, Lindenberger coi những người truyền bá thông tin sai lệch về bệnh tự kỷ và tổn thương não liên quan đến vắcxin là một nguyên nhân chính khiến dư luận quay lưng lại với vắcxin.

WHO: Trào lưu chống vắcxin là mối đe dọa sức khỏe mới toàn cầuBé trai James Phipps hoàn toàn khỏe mạnh sau khi được tiêm 2 liều gây bệnh đậu mùa

6. 70% người Mỹ vẫn đưa con đi tiêm vắcxin

Trong 20 năm qua, chủng ngừa vắcxin được cho là đã ngăn chặn 732.000 ca tử vong và 21 triệu lượt nhập viện ở trẻ em Mỹ. Mặc dù vậy, thập kỷ vừa qua chứng kiến sự tin tưởng của cộng đồng đi xuống. Một cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy, 70% người Mỹ vẫn đưa con của họ đến bác sĩ để tiêm vắcxin, cao điểm có thời kỳ đạt trên 80%.

Cũng trong cuộc khảo sát nói trên cho thấy có khoảng 48% không tin vắcxin, 26% tin rằng nó vô dụng. Phương tiện truyền thông xã hội chưa phát huy hết mục tiêu tuyên truyền hoặc thông tin sai lệch khiến cho trào lưu chống vắcxin gia tăng.

Nếu năm 2004, bệnh sởi đã chính thức được loại trừ tại Mỹ, 10 năm sau, vào năm 2014, lại có tới 667 trường hợp đột nhiên tái phát bệnh tại 27 tiểu bang, điều này không chỉ chính phủ Mỹ mà cả WHO đã xếp trào lưu bài trừ vắcxin là mối đe dọa mới đối với sức khỏe toàn cầu.


BS. BÍCH KIM
Ý kiến của bạn