WHO trao giải thưởng danh dự cho Bộ trưởng Bộ Y tế

28-05-2015 13:52 | Thời sự

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là một trong 2 cá nhân của 27 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương được nhận giải thưởng này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là một trong 2 cá nhân của 27 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương được nhận giải thưởng này.

Tại hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới, diễn ra sáng ngày 28/5, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến Bộ trưởng Bộ Y tế đã được Tổ chức Y tế thế giới trao giải thưởng danh dự do có những đóng góp to lớn trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phát biểu tại lễ trao giải Theo ông Jeffery Joesph Kobza - quyền Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ đây là giải thưởng đặc biệt hàng năm Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận sự đóng góp to lớn của các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực phòng chống tác hại của thuốc lá.

“Trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận được nhiều đề cử từ các nước khác nhau, nhưng chỉ chọn một số ít các ứng cử viên tiêu biểu nhất của từng khu vực để nhận huy chương Ngày thế giới không hút thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới” - ông Jeffery nhấn mạnh.

Cho đến nay, 180 nước đã là thành viên của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá – một trong những Công ước được nhiều nước tham gia nhất trong lịch sử Liên Hợp quốc.

 

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện PCTH thuốc lá
Ảnh Dương Ngọc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao bằng khen của Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện PCTH thuốc lá Ảnh Dương Ngọc

Việt Nam nằm trong nhóm đầu tiên của các nước phê chuẩn Công ước khung vào năm 2004. Kể từ đó, Công ước đã đóng vai trò quyết định tác động đến khung pháp lý về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam, mà trong đó, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 là điển hình tiêu biểu.

Trước khi thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Hai phần ba số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà. 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc trong nhà. 5 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện được Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó, quy định được việc cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá và cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi. Đặc biệt, quy định được việc diện tích in cảnh báo sức khỏe chiếm 50% vỏ bao thuốc lá. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng cao, 95% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc lá gây bệnh tật, 87% người trưởng thành tin rằng người hút thuốc thụ động cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Hành vi hút thuốc lá tại nơi làm việc, trường học đã giảm, hành vi hút thuốc không còn là hành vi phổ biến được chấp nhận như trước.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: Hầu hết các nơi đều giảm về số người hút thuốc lá. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm từ 56,1% năm 2001 xuống 47,4% năm 2010. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014…

Trong số 180 nước ký Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, có 20 quốc gia thành thành lập được quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó, thuế thuốc lá còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Lộ trình tăng thuế thuốc lá đến ngày 1/1/2016 mới được thực hiện, với mức tăng thêm chỉ 5%, từ mức 65% lên mức 70%. Tiếp đó từ 1/1/2019, thuế thuốc lá cũng chỉ tăng từ mức 70% lên 75%. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng và nơi làm việc chưa hiệu quả, việc xử phạt chưa được thực hiện nghiêm. Đến nay, số tiền xử phạt trong cả nước mới chỉ đạt 46 triệu đồng.

Audio phỏng vấn ông Lương Ngọc Khuê

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn