WHO: Tiêm chủng trẻ em bắt đầu hồi phục sau dịch COVID-19

18-07-2023 19:07 | Quốc tế

SKĐS - Độ bao phủ tiêm chủng ở trẻ em từng bước hồi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn chưa thể quay về mức trước khi đại dịch xảy ra, ngoại trừ vaccine HPV.

Hà Nội dự kiến năm 2025 đưa vaccine phế cầu vào tiêm chủng mở rộngHà Nội dự kiến năm 2025 đưa vaccine phế cầu vào tiêm chủng mở rộng

SKĐS - Hà Nội đặt lộ trình đến năm 2025, dự kiến đưa vaccine phế cầu vào tiêm chủng mở rộng. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, lộ trình này có thể được thực hiện sớm hơn với các loại vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Dữ liệu mới của WHO và UNICEF cho thấy những dấu hiệu hứa hẹn về độ bao phủ tiêm chủng cho trẻ em đang dần hồi phục ở một số quốc gia. Tuy nhiên, độ bao phủ vẫn chưa quay trở lại như mức trước  dịch COVID-19, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp, điều này làm tăng nguy cơ bùng phát dịch ở trẻ em.

Theo dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố vào ngày hôm nay (18/7), có hơn 20,5 triệu trẻ em bị bỏ lỡ ít nhất 1 liều vaccine trong chương trình tiêm chủng định kỳ, thấp hơn so với con số 24,4 triệu vào năm 2021.

Mặc dù có sự cải thiện, con số này vẫn cao hơn so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra (chỉ có 18,4 triệu trẻ em bị bỏ lỡ 1 liều vaccine trở lên trong chương trình tiêm chủng định kỳ vào năm 2019).

WHO: Tiêm chủng trẻ em bắt đầu hồi phục sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Trong năm 2022, có 20,5 triệu trẻ em trên toàn cầu đã bỏ lỡ ít nhất 1 liều vaccine trong chương trình tiêm chủng định kỳ.

Vaccine phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP) được WHO sử dụng làm chỉ dấu về mức hồi phục bao phủ tiêm chủng ở trẻ em trên phạm vi toàn cầu.

Trong số 20,5 triệu trẻ em đã bỏ lỡ 1 liều vaccine DTP hoặc hơn vào năm 2022, có 14,3 triệu trẻ em đã không được tiêm liều nào. Con số trên cải thiện so với 18,1 triệu trẻ em đã không được tiêm liều vaccine DTP nào trong năm 2021.

Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ lỡ tiêm chủng vẫn cao hơn so với năm 2019 (thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra). Vào năm 2019, số lượng trẻ em không tiêm liều vaccine DTP nào là 12,9 triệu.

Theo TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO, số liệu này dù đáng khích lệ và thể hiện  nỗ lực của những người làm công tác tiêm chủng nhưng vẫn đáng lo ngại bởi tụt hậu trong tiêm chủng có thể phải trả giá.

Trong số 73 quốc gia ghi nhận mức độ bao phủ tiêm chủng ở trẻ em giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch, 15 quốc gia đã phục hồi về mức trước đại dịch, 24 quốc gia đang trên đà hồi phục và đáng lo ngại nhất là 34 quốc gia ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em vẫn còn thấp hoặc tiếp tục giảm.

WHO khuyến cáo các quốc gia cần nỗ lực để trẻ em được tiêm các liều vaccine cơ bản vì tiêm chủng định kỳ là nhân tố quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Theo WHO, bệnh sởi là một trong những mầm bệnh truyền nhiễm mạnh nhất. Tuy nhiên, độ bao phủ tiêm phòng sởi đã không hồi phục tốt so với bao phủ các loại vaccine khác. Điều này khiến thêm 35,2 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh sởi.

Tỷ lệ bao phủ tiêm phòng sởi mũi 1 đã tăng lên 83% vào năm 2022 (so với 81% vào năm 2021 nhưng thấp hơn mức 86% đạt được vào năm 2019).

Năm ngoái, 21,9 triệu trẻ em đã bỏ lỡ tiêm phòng sởi định kỳ trong năm đầu đời (nhiều hơn 2,7 triệu trẻ so với năm 2019). Trong khi đó, thêm 13,3 triệu trẻ không được tiêm liều thứ hai phòng sởi, khiến trẻ em trong cộng đồng chưa được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ nhiễm và gây bùng phát dịch.

Lần đầu tiên, mức độ bao phủ vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (HPV) đã vượt qua mức trước đại dịch. Năm 2022, số lượng trẻ em gái được tiêm vaccine HPV bằng so với năm 2019.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine HPV vào năm 2019 vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 90% và do đó đến năm 2022, chúng ta vẫn chưa thể đạt như mục tiêu đề ra, WHO cho hay.

Tỷ lệ bao phủ trung bình trong các chương trình HPV mới đạt 67% ở các nước có thu nhập cao và 55% ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.


Bảo Linh
(theo WHO)
Ý kiến của bạn