Hà Nội

WHO thông tin về cúm A (H5N1) ở mèo

18-07-2023 16:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo về những trường hợp mèo chết do nhiễm cúm A (H5N1) ở Ba Lan. Nguồn lây nhiễm virus của mèo hiện chưa được xác định và các cuộc điều tra dịch tễ đang được tiến hành.

TP.Hồ Chí Minh sẵn sàng các kịch bản nếu cúm A/H5N1 xâm nhậpTP.Hồ Chí Minh sẵn sàng các kịch bản nếu cúm A/H5N1 xâm nhập

SKĐS - Sở Y tế TP.HCM vừa có công văn khẩn cấp cho các đơn vị trên địa bàn thành phố nhằm ngăn chặn, phòng ngừa cúm gia cầm (Cúm A/H5N1) trên diện rộng trước nguy cơ xâm nhập của chủng cúm này vào thành phố.

Vào ngày 27/6, Ba Lan thông báo lên WHO về những trường hợp mèo chết bất thường tại nước này. Tính đến ngày 11/7, Ba Lan đã tiến hành xét nghiệm 47 mẫu từ 46 con mèo và 1 con linh miêu nuôi nhốt, trong đó 29 mẫu dương tính với cúm A (H5N1).

Tổng cộng, 25 con mèo đã chết tính đến ngày 30/6. Hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm virus cúm A (H5N1) sang mèo, các cuộc điều tra dịch tễ học đang được tiến hành.

Kể từ ngày 12/7 tới nay, chưa ghi nhận trường hợp nào lây nhiễm cúm A (H5N1) từ mèo sang người ở Ba Lan. Những người tiếp xúc với mèo mắc cúm A (H5N1) đều không ghi nhận triệu chứng và thời gian giám sát với những người này đã hoàn tất.

Theo WHO, nguy cơ lây nhiễm cúm A (H5N1) ở người sau khi tiếp xúc với mèo nhiễm bệnh ở cấp quốc gia được đánh giá là thấp đối với dân số nói chung.

WHO thông tin về cúm A (H5N1) ở mèo  - Ảnh 2.

25 con mèo ở Ba Lan đã chết sau khi nhiễm virus cúm gia cầm A (H5N1)

Nguy cơ từ thấp đến trung bình đối với chủ sở hữu mèo và bác sĩ thú y tiếp xúc với mèo nhiễm cúm A (H5N1) khi không sử dụng các thiết bị bảo hộ thích hợp.

WHO tiếp tục theo dõi tình hình và phối hợp chặt chẽ cùng ngành thú y và các cơ quan sức khỏe cộng đồng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) và các cơ quan, đối tác khác ở Ba Lan.

Mèo chết có thể do viêm phổi sau nhiễm cúm A (H5N1)?

Vào ngày 27/6, Ba Lan đã thông báo lên WHO về những trường hợp mèo chết bất thường trên khắp đất nước. 29 mẫu (62%) trong tổng số 47 mẫu (gồm 46 con mèo và 1 con linh miêu caracal) dương tính với cúm A (H5N1). Các mẫu dương tính được báo cáo từ 13 khu vực ở Ba Lan.

Một số con mèo xuất hiện các triệu chứng nặng bao gồm khó thở, tiêu chảy ra máu và dấu hiệu thần kinh, một số trường hợp suy kiệt nhanh chóng và dẫn đến tử vong. Tổng cộng, 20 con mèo có dấu hiệu thần kinh, 19 con có dấu hiệu suy hô hấp, 17 con có cả hai triệu chứng này.

Tổng cộng, 25 con mèo đã tử vong, trường hợp tử vong cuối cùng là vào ngày 30/6. Khám nghiệm trên một vài con mèo gợi ý bệnh viêm phổi.

19 loại virus được giải trình tự gene từ đợt bùng phát này đều thuộc nhánh H5 2.3.4.4b và có quan hệ "họ hàng" với nhau.

Ngoài ra, các loại virus này tương tự như virus cúm A (H5N1) nhánh 2.3.4.4b đã lưu hành ở các loài chim hoang dã và gây ra các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm gần đây ở Ba Lan.

Mèo nhiễm cúm A (H5N1) do lây từ chim hoang dã?

Có một số khả năng về nguồn lây nhiễm cúm A (H5N1) sang mèo. Có thể mèo đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm bệnh hoặc môi trường của những con gia cầm này. Hoặc mèo có thể đã ăn thịt gia cầm nhiễm bệnh hoặc ăn thực phẩm nhiễm virus cúm A (H5N1).

Các nhà chức trách đang điều tra tất cả các nguồn lây tiềm năng và cho đến nay vẫn chưa loại trừ bất kỳ nguồn lây nào.

25 con mèo đã chết do nhiễm cúm A (H5N1) ở Ba Lan là báo cáo đầu tiên về số lượng lớn mèo nhiễm cúm gia cầm A (H5N1) ở một khu vực địa lý rộng lớn.

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đánh giá các ứng viên vaccine ngừa cúm A (H5N1) nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi đại dịch cúm gia cầm có thể xảy ra.

Theo WHO, chưa ghi nhận lây nhiễm cúm A (H5N1) ở mèo nhiễm bệnh sang người. Việc phát hiện virus cúm gia cầm A (H5N1) ở người vẫn còn hiếm gặp và chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.

Dịch tễ học cúm H5N1

Kể từ cuối năm 2021, nhiều đợt bùng phát dịch cúm H5N1 chưa từng có ở gia cầm và chim hoang dã được báo cáo trên toàn thế giới.

Kể từ tháng 6/2023, virus H5N1 nhánh 2.3.4.4b chiếm chủ đạo ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.

Ngoài gia cầm và chim hoang dã, còn phát hiện các trường hợp gia tăng ở cả động vật có vú trên cạn (thường là động vật ăn xác thối), động vật có vú sống ở biển hoặc đôi khi là động vật nuôi nhốt. Các trường hợp động vật có vú nhiễm virus cúm A (H5N1) có thể do tiếp xúc với các loài chim nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường sống của những con chim này.

Kể từ năm 2020, có 12 trường hợp phát hiện virus cúm gia cầm A(H5N1) nhánh 2.3.4.4b ở người đã được báo cáo lên WHO. Trong số 12 người nhiễm cúm A (H5N1), 4 trường hợp nặng và 8 trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Hầu hết những người bị nhiễm virus cúm A (H5N1) là do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm sống hoặc gia cầm chết nhiễm virus. Trong một vài trường hợp, nhiễm virus cúm A (H5N1) ở người có thể gây bệnh nặng và tử vong.


Nguyễn Vân
(theo WHO)
Ý kiến của bạn