WHO sơ tán 1.000 phụ nữ và trẻ em ở Gaza cần chăm sóc y tế khẩn cấp

21-10-2024 17:59 | Quốc tế
google news

Ngày 21/10, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge cho biết có đến 1.000 phụ nữ và trẻ em cần chăm sóc y tế sẽ sớm được sơ tán từ Gaza đến châu Âu.

WHO sơ tán 1.000 phụ nữ và trẻ em ở Gaza cần chăm sóc y tế khẩn cấp- Ảnh 1.

Trẻ em xếp hàng nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Trả lời phỏng vấn, ông Kluge cho biết Israel cam kết thực hiện thêm đợt sơ tán 1.000 người tới Liên minh châu Âu (EU) trong những tháng tới. WHO và các nước EU liên quan sẽ hỗ trợ hoạt động này.

Tháng 5 vừa qua, người đứng đầu Văn phòng WHO tại Bờ Tây và Gaza, ông Rik Peeperkorn cho biết khoảng 10.000 người cần sơ tán khỏi Gaza để điều trị y tế khẩn cấp. WHO tại châu Âu đã giúp sơ tán 600 người từ Gaza đến một số nước châu Âu kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra tại vùng lãnh thổ của Palestine vào tháng 10/2023.

Ông Kluge nhấn mạnh các đợt sơ tán vì lý do nhân đạo sẽ không bao giờ xảy ra nếu WHO không duy trì đối thoại cởi mở, đồng thời cho rằng điều này tương tự như tại các khu vực xung đột khác trên thế giới. Quan chức WHO khẳng định: “Liều thuốc quan trọng nhất là hòa bình” và lưu ý các nhân viên y tế phải được phép thực hiện công việc của họ tại các vùng xung đột.

Liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch trong tương lai, ông Kluge cho rằng thế giới cần có hiệp ước toàn cầu về vấn đề này và EU dự kiến công bố chiến lược về các đại dịch vào ngày 31/10 tới.

WHO đang hối thúc các nước thành viên tìm phương án và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo, đồng thời đảm bảo duy trì các dịch vụ y tế cơ bản thiết yếu nhằm tránh gián đoạn hoạt động như thời đại dịch COVID-19. Theo ông Kluge, việc đảm bảo an ninh cho các hệ thống y tế quốc gia là điều quan trọng và nên là ưu tiên hàng đầu. Trong 5 năm qua, 25 trong số 53 quốc gia thành viên WHO tại châu Âu đã xảy ra ít nhất 1 tình huống y tế khẩn cấp đủ cho thấy tình hình an ninh của đất nước.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO lưu ý dịch bệnh COVID-19 đã khiến EU thụt lùi 2 năm trong công tác phòng chống các bệnh không truyền nhiễm, đòi hỏi các nước tăng cường nỗ lực chẩn đoán, điều trị bệnh lao đa kháng thuốc, xét nghiệm ung thư cổ tử cung cũng như tiêm chủng. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nước giải quyết những xu hướng đáng lo ngại khác gần đây như sức khỏe của giới trẻ và bất bình đẳng giới gia tăng.


Theo Nguyễn Hằng (TTXVN)
Ý kiến của bạn