Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, dịch COVID-19 dường như đang lây lan nhanh hơn ở bên ngoài Trung Quốc, hiện tình hình tại Hàn Quốc, Italia, Iran và Nhật Bản là đáng lo ngại nhất.
Số ca mắc COVID-19 tăng gấp 9 lần ở các quốc gia ngoài Trung Quốc
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với hơn 80.000 trường hợp mắc bệnh, gần 3000 người tử vong. Theo số liệu của WHO, Trung Quốc chỉ ghi nhận 206 ca nhiễm mới trong ngày 1/3, thấp nhất kể từ ngày 22/1, tuy nhiên WHO lo ngại về dịch bệnh ở 4 quốc gia như Hàn Quốc, Italia, Iran và Nhật Bản, nơi có số người mắc bệnh và tử vong đang tăng với tốc độ rất nhanh. "Dịch bệnh lây lan ở Hàn Quốc, Italia, Iran và Nhật Bản hiện là lo ngại lớn nhất của chúng tôi", ông Tedros nói.
"Trong 24 giờ qua, số trường hợp được báo cáo bên ngoài Trung Quốc tăng gấp gần 9 lần so với bên trong Trung Quốc đại lục”, ông Tedros cho biết tại cuộc họp.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt kiểm soát nhiệt độ của người dân tại ngoại ô Iraq
Bắt đầu từ ngày 1/3, nhóm chuyên gia quốc tế đã có mặt tại Iran để hỗ trợ và cung cấp trang thiết bị y tế.
Nhận định về loại virus gây bệnh COVID-19, Người đứng đầu WHO cho biết: "Đây là một loại virus đặc biệt với những đặc điểm đặc biệt. Đây không phải virus cúm. Chúng ta chưa có nhiều hiểu biết về nó”, ông Tedros nói. Nếu đây là dịch cúm, WHO cho rằng sẽ có sự lây lan rộng rãi trong cộng đồng trên toàn cầu và những nỗ lực làm chậm hoặc ngăn chặn nó sẽ không khả thi. Tuy nhiên, bằng các bằng chứng về dịch bệnh thời gian qua ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, ông Tedros khẳng định: “Việc ngăn chặn COVID-19 là khả thi và phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia".
Tổng giám đốc WHO cho biết, tính đến nay, số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã vượt 8.700 ca trải khắp 61 quốc gia, trong đó có 127 ca tử vong. Khoảng 81% số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc tập trung ở 4 quốc gia gồm Hàn Quốc, Italia, Iran và Nhật Bản. Có 38 nước chỉ ghi nhận mỗi nước dưới 10 ca, 19 quốc gia chỉ ghi nhận 1 ca và một số nước đã kiểm soát được COVID-19, không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trong vòng 2 tuần qua.
Ông Tedros nhấn mạnh, WHO sẽ không do dự công bố COVID-19 là “đại dịch” nếu minh chứng thực tế cho thấy điều đó. Tại cuộc họp báo trước đó, ông khẳng định rằng, hầu hết các ca nhiễm COVID-19 đều có thể truy nguồn gốc hoặc tìm ra nhóm lây nhiễm và “chưa có bằng chứng nào cho thấy virus corona lây truyền tự do trong cộng đồng”. Đó là lý do tại sao WHO không công bố đại dịch và tin tưởng rằng dịch COVID-19 hoàn toàn có thể kiểm soát được.