Nhóm cố vấn được gọi tên là Nhóm Cố vấn khoa học của WHO về Nguồn gốc các mầm bệnh mới (SAGO) này gồm 26 nhà khoa học, được chọn từ hơn 700 ứng viên đến từ 26 quốc gia trên thế giới.
Cơ hội cuối cùng để hiểu được nguồn gốc coronavirus
WHO cho biết SAGO sẽ đánh giá các nghiên cứu gần đây, bao gồm những nghiên cứu mô tả loài dơi có liên quan mật thiết đối với virus SARS-CoV-2 và tư vấn cho WHO về những nghiên cứu cần thiết trong tương lai.
"Đây là cơ hội tốt nhất và có thể là cơ hội cuối cùng để chúng ta hiểu được nguồn gốc của loại virus này... Đồng thời cũng là nỗ lực để hiểu một loại virus đã gây cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có đối với toàn thế giới . Và tôi sẽ yêu cầu các quốc gia, các nhà báo và mọi người khác, tạo điều kiện cho cuộc điều tra này" - Tiến sĩ Michael Ryan, giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế WHO phát biểu trong lễ công bố thành lập nhóm SAGO.
Bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó với COVID-19 của WHO, bày tỏ hy vọng SAGO có thêm những cuộc điều tra mới về nguồn gốc COVID-19. Theo bà Kerkhove, các thông tin về xét nghiệm kháng thể người dân ở Vũ Hán trong năm 2019 là "rất quan trọng".
Được biết, hồi đầu năm 2021, một nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu đã đến Vũ Hán, nơi đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, và dành 4 tuần cùng các nhà khoa học Trung Quốc tìm hiểu nguồn gốc của dịch bệnh ở thành phố này cùng các khu vực lân cận.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu này được đưa ra hồi tháng 3/2021 kết luận rằng, virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ động vật trước khi lây lan sang con người vào khoảng tháng 12/2019 và giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".
Sau đó, Tổng giám đốc WHO kêu gọi mở thêm các cuộc điều tra khác.
Manh mối quan trọng
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 14/10, Trung Quốc thông báo đang tiến hành xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu máu tại ngân hàng máu ở thành phố Vũ Hán nhằm điều tra nguồn gốc COVID-19. Những mẫu máu này được lấy từ lượng lớn người dân tại Vũ Hán, thành phố được cho là nơi đầu tiên virus lây nhiễm cho người.
Theo các nhà khoa học, việc xét nghiệm những mẫu máu trên có thể cung cấp thông tin then chốt giúp xác định thời gian và địa điểm virus gây COVID-19 lây lan sang người.
Giới chuyên môn khẳng định, nếu được bảo quản đúng cách, các mẫu máu này có thể chứa dấu hiệu quan trọng về những kháng thể đầu tiên trên người chống lại COVID-19 và là manh mối quan trọng để giải thích về nguồn gốc đại dịch COVID-19.
Ông Lương Vạn Niên, người dẫn đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc làm việc với nhóm điều tra của WHO hồi tháng 7 vừa qua, cho biết Trung Quốc sẽ kiểm tra các mẫu máu trên và giao kết quả cho nhóm chuyên gia nước ngoài.", ông Lương cho biết.
TS William Schaffner, thuộc bộ phận bệnh truyền nhiễm của khoa dược, ĐH Vanderbilt (Mỹ), gợi ý rằng các mẫu máu trên có thể được đưa tới Geneva (Thụy Sĩ) hoặc các địa điểm trung lập khác để chuyên gia WHO có thể được phép tham gia vào việc xét nghiệm.
Chính phủ ban hành bốn cấp độ thích ứng an toàn với COVID-19