Hà Nội

WHO: Lợi ích của vắc-xin COVID-19 lớn hơn nhiều so với nguy cơ

18-03-2021 16:48 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Kể từ cuộc họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào cuối tuần trước, đã có thêm nhiều quốc gia tạm ngừng việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca như 1 biện pháp phòng ngừa sau khi có báo cáo về chứng huyết khối tĩnh mạch ở những người đã tiêm vắc-xin.

Tuy nhiên WHO vẫn khuyến cáo nên tiếp tục sử dụng vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 bởi lợi ích vẫn lớn hơn nguy cơ.

Chưa có mối liên hệ tìm thấy các ca cục máu đông và vắc-xin COVID-19

Theo WHO, việc điều tra các trường hợp phản ứng tiến hành theo thông lệ, điều này chứng tỏ hệ thống giám sát vắc-xin vẫn đang hoạt động và các biện pháp kiểm soát đang được thực hiện hiệu quả. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia tạm đình chỉ sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca để điều tra về các tác dụng phụ. Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha đã trở thành những quốc gia mới nhất tạm thời ngừng sử dụng vắc-xin này, sau các báo cáo về cục máu đông ở những người nhận vắc-xin từ 2 lô vắc-xin được sản xuất ở châu Âu.

Nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan phát biểu tại cuộc họp báo mới đây của WHO rằng: “Mọi người không nên hoảng sợ”. Cho đến nay chưa có mối liên hệ nào được tìm thấy giữa các ca cục máu đông liên quan tới các mũi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Hiện nay nhiều quốc gia vẫn tiếp tục sử dụng vắc-xin này vì WHO và nhiều cơ quan cho rằng lợi ích đang lớn hơn nguy cơ. Bà Soumya Swaminathan nói: Ít nhất 2,6 triệu người đã chết do COVID-19. Trong khi đó, trên tổng số 300 triệu liều vắc-xin đã được sử dụng trên khắp thế giới, hiện không có bất cứ một trường hợp tử vong nào có liên hệ trực tiếp với bất kể vắc-xin nào. Hiện tại, chúng tôi khuyến nghị các nước nên tiếp tục chương trình tiêm chủng với AstraZeneca.

Ngay cả Vương quốc Anh, nơi vắc-xin AstraZeneca được phát triển với sự hợp tác của Đại học Oxford, cho biết họ không lo ngại gì. AstraZeneca cho biết, họ đã xem xét dữ liệu từ hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu và chỉ phát hiện 37 trường hợp gặp chứng huyết khối tĩnh mạch. Tuy nhiên, không có trường hợp nào được chứng minh là do vắc-xin gây ra và tỷ lệ cục máu đông thấp hơn nhiều so với dự kiến trong một quần thể có quy mô lớn như vậy. Phản ứng với vắc-xin này cũng tương tự như trường hợp các vắc-xin ngừa COVID-19 được cấp phép khác.

WHO khẳng định chưa có bằng chứng về các sự cố là do vắc-xin COVID-19 gây ra.

WHO khẳng định chưa có bằng chứng về các sự cố là do vắc-xin COVID-19 gây ra.

WHO khuyến nghị các quốc gia quay trở lại với vắc-xin

Đồng tình với WHO, phát biểu tại cuộc họp báo vào tối ngày 16/3 (giờ Việt Nam), Người đứng đầu Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) Emer Cooke cũng khẳng định, cơ quan này đang tiến hành điều tra tất cả các dữ liệu và các tình huống lâm sàng của từng trường hợp được báo cáo để có kết luận sớm nhất. Dù cuộc điều tra chưa kết thúc nhưng chuyên gia của EMA cho rằng: “Trong quá trình tiêm chủng cho hàng triệu người, tình huống như thế này không nằm ngoài dự đoán. Việc gặp phải triệu chứng bệnh hiếm gặp hoặc bệnh nặng sau khi tiêm chủng là không thể tránh khỏi”. Mỗi năm có hàng nghìn người ở EU gặp tình trạng huyết khối bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chưa từng có báo cáo về việc gia tăng cục máu đông trong các nghiên cứu lâm sàng của vắc-xin AstraZeneca. Một ủy ban của EMA đang đánh giá vắc-xin của AstraZeneca có gây ra tác dụng phụ này hay không và những người tiêm vắc-xin bị đông máu do nguyên nhân nào khác không. WHO chưa nhận được báo cáo về “các biến cố cục máu đông” ở các nơi khác trên thế giới.

Với những đánh giá trên, WHO khuyến nghị các quốc gia quay lại với vắc-xin. Một số quốc gia từng tạm đình chỉ sử dụng vắc-xin AstraZeneca nay lại quay lại sử dụng vắc-xin này để tiêm cho người dân.


Hải Yến
Ý kiến của bạn