
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: THX/TTXVN
WHO công bố sáng kiến mang tên "3 by 35" nói trên tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển toàn cầu lần thứ tư tại thành phố Seville (Tây Ban Nha). Trong tuyên bố, cơ quan này khuyến nghị tăng mạnh giá các mặt hàng trên bởi lượng tiêu thụ gia tăng đang góp phần khiến các bệnh không truyền nhiễm bùng phát như tim mạch, ung thư và tiểu đường. Theo WHO, các loại bệnh không truyền nhiễm chiếm tới hơn 75% số ca tử vong trên toàn cầu, trong đó chỉ riêng thuốc lá đã cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.
Tổ chức này dẫn một báo cáo gần đây chỉ ra rằng chỉ với biện pháp tăng 50% giá thuốc lá, rượu và nước ngọt, thế giới có thể ngăn ngừa 50 triệu ca tử vong sớm trong 50 năm tới. Quyết định tăng giá không chỉ làm giảm mức tiêu thụ các sản phẩm có hại, mà còn giúp tăng nguồn thu ngân sách vào thời điểm nguồn viện trợ phát triển sụt giảm và nợ công tăng cao. Cũng theo WHO, việc tăng thuế sẽ giúp tăng thu 1.000 tỷ USD ngân sách nhà nước trong vòng 10 năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định các khoản thuế này có thể giúp các chính phủ điều chỉnh theo thực tế mới và củng cố hệ thống y tế của đất nước.
Trong giai đoạn 2012 - 2022, gần 140 nước đã tăng thuế đánh vào thuốc lá, khiến giá của mặt hàng này tăng trung bình 50%. Điều này cho thấy thay đổi ở quy mô lớn là hoàn toàn khả thi.