Cục Y tế dự phòng–Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến dịch bệnh cúm hết sức phức tạp tại Trung Quốc, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia hoặc áp dụng biện pháp sàng lọc đặc biệt tại các cửa khẩu đối với dịch bệnh cúm A (H7N9).
Tuy nhiên, WHO đưa ra một số khuyến cáo đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9) như sau:
- Không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm;
- Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm;
- Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng;
- Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh tốt;
- Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do Cúm A (H7N9) và được khám, chẩn đoán để xác định.
Theo thông tin từ Cơ quan đầu mối Y tế quốc tế của WHO, tính đến ngày 14/2/2014, đã ghi nhận 338 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) tại 14 tỉnh, thành phố của Trung Quốc (kể cả Hồng Kông và Đài Loan), trong đó có 66 trường hợp tử vong. Tính riêng từ đầu năm 2014, đã ghi nhận 182 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9).
Trước đó ngày 12/02/2014, Bộ Y tế Malaysia đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) đầu tiên tại nước này, bệnh nhân nữ 67 tuổi là khách du lịch đến từ Trung Quốc và sống tại tỉnh Quảng Đông, trước khi đến Malaysia bệnh nhân đã bị sốt và đã được điều trị ban đầu. Tại Malaysia, bệnh nhân được nhập viện ngày 7/2/2014 và xét nghiệm dương tính với cúm A(H7N9).
Ngày 13/2/2014, Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin tại tỉnh Giang Tây ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm cúm A(H10N8). Bệnh nhân tử vong ngày 08/2/2014. Như vậy tính đến nay đã ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm A(H10N8) đầu tiên trên người, tất cả đều sống tại tỉnh Giang Tây, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
HH