Bên cạnh khuyến cáo ứng dụng telemedicine kết nối nhân viên y tế tuyến cơ sở với các bác sĩ chuyên khoa của các cơ sở tuyến trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn khuyến cáo ứng dụng telemedicine để tăng cường kết nối thầy thuốc và người bệnh nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nhất là đối với những người bệnh ở xa cơ sở y tế.
Telemedicine được WHO định nghĩa là công cụ hỗ trợ từ xa cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Kết nối từ xa để trao đổi các thông tin cần thiết về các dấu hiệu lâm sàng quan trọng hoặc dữ liệu chẩn đoán và truyền tải các tập tin như hình ảnh để xem xét, để được tư vấn chẩn đoán và điều trị, có thể diễn ra giữa nhân viên y tế tuyến trên và tuyến dưới.
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các công nghệ di động mới đã làm thay đổi cục diện, đưa những cân nhắc mới cho việc kết nối người bệnh từ xa với nhân viên y tế tại các cơ sở y tế bằng các phương tiện công nghệ kỹ thuật số.
Dưới đây là tóm tắt các bằng chứng về ứng dụng telemedicine để kết nối người bệnh từ xa với các cơ sở y tế về tính hiệu quả, khả năng chấp nhận, tính khả thi, sử dụng nguồn lực và ý nghĩa đối với công bằng, giới tính và quyền của người bệnh.
Về tính hiệu quả: Bằng chứng khoa học cho thấy can thiệp này có thể cải thiện một số kết quả, chẳng hạn như người bệnh đi khám bệnh ít hơn, giảm tỷ lệ tử vong ở những người mắc bệnh tim, tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và tăng chất lượng cuộc sống liên quan đến sức khỏe, là các chỉ số đã được đánh giá sau 1 tháng và sau 6 tháng can thiệp.
Tuy nhiên, nó có thể tạo ra ít hoặc không có sự khác biệt về các kết quả khác, chẳng hạn như nhập viện vì các triệu chứng liên quan đến tim mạch hoặc người lớn tuổi được chăm sóc tại nhà.
Kết nối người bệnh với cơ sở y tế bằng telemedicine nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Ảnh minh họa.
Về tính chấp nhận: Bằng chứng nghiên cứu định tính cho thấy nhân viên y tế đánh giá cao khả năng của telemedicine cung cấp dịch vụ chăm sóc ngay lập tức, kết nối được những bệnh nhân bỏ tái khám và hướng dẫn chăm sóc tại nhà, tư vấn và hỗ trợ tinh thần cho người bệnh, ngay cả khi không thể tiếp xúc trực tiếp.
Từ quan điểm của nhân viên y tế, một số trường hợp vẫn phải đảm bảo đến khám trực tiếp và cũng lo ngại rằng việc mất liên lạc trực tiếp sẽ thay đổi mối quan hệ khách hàng của nhân viên y tế và dẫn đến chất lượng chăm sóc kém hơn. Nhân viên y tế cũng có thể lo lắng về các vấn đề tiềm ẩn thuộc về trách nhiệm thăm khám trực tiếp của nhân viên y tế.
Từ quan điểm của khách hàng, bằng chứng định tính cho thấy có sự đánh giá cao nhờ telemedicine mà người bệnh có thể liên lạc với nhân viên y tế từ nhà của họ và xem telemedicine là tăng quyền tiếp cận, đảm bảo tính nhất quán và liên tục của dịch vụ chăm sóc mà họ được cung cấp.
Về tính khả thi: Bằng chứng định tính về tính khả thi của các can thiệp sức khỏe bằng công nghệ kỹ thuật số đã chỉ rõ những thách thức liên quan đến việc kết nối mạng, nguồn điện, khả năng sử dụng thiết bị, duy trì, đào tạo và hỗ trợ cho nhân viên y tế sử dụng các công cụ kỹ thuật số, lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và sự đồng ý của người bệnh.
Về sử dụng nguồn lực: Bằng chứng về nguồn lực sẵn có để triển khai telemedicine với người bệnh được đánh giá là có độ chắc chắn rất thấp.
Về đảm bảo công bình, bình đẳng giới và quyền của người bệnh: Sự can thiệp này có thể tác động tích cực đến công bình y tế bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số. Telemedicine có thể làm giảm gánh nặng chi phí của việc đi lại, đặc biệt đối với những người cư trú xa các cơ sở y tế.
Tuy nhiên, việc tiếp cận telemedicine có thể khó khăn đối với các nhóm người khác, bao gồm cả những người khiếm thính hoặc hiểu biết về kỹ thuật số kém.
- Kết nối người bệnh với cơ sở y tế bằng telemedicine phải được xem là một phương tiện bổ sung nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, không thay thế cho việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh với nhân viên y tế; không làm giảm nỗ lực tăng cường nguồn nhân lực y tế.
- Đảm bảo có thể giám sát được việc thực hiện nhằm đảm bảo an toàn, quyền riêng tư, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm và bảo mật của bệnh nhân. Bao gồm các quy trình vận hành với các giao thức được chuẩn hoá để đảm bảo sự đồng ý của bệnh nhân, bảo vệ và lưu trữ dữ liệu, giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.