WHO khuyến cáo 10 bước để nuôi con bằng sữa mẹ thành công

01-08-2018 17:38 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hôm nay (1/8), bắt đầu Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ diễn ra từ ngày 01-07 tháng 8. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo 10 bước để nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

73% trẻ Việt được cho bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh

Theo báo cáo đánh giá công tác chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu của khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2016-2017, tại Việt Nam, 73% trẻ mới sinh được cho bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh. Những thành tựu bước đầu này đã được WHO và UNICEF ghi nhận tại Hội nghị khu vực về đẩy nhanh các tiến bộ trong chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu được tổ chức vào tháng 8/2017.

Việt Nam đặt mục tiêu đạt 85% tỷ lệ cho trẻ bú sớm vào năm 2020. Cần rất nhiều nỗ lực tiếp tục để đạt được mục tiêu này vào năm 2020 và đảm bảo trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời.

WHO cho biết, việc cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh là rất quan trọng. Đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ, thời điểm quyết định tất cả. Trẻ được cho bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh có nhiều cơ hội được sống hơn. Những trẻ phải chờ lâu mới được cho bú mẹ phải đối mặt nhiều hơn với các nguy cơ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ sơ sinh được bắt đầu bú mẹ trong vòng từ 2 - 23 giờ sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao hơn 33% so với những trẻ bắt đầu bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Với những trẻ sơ sinh bắt đầu bú sữa mẹ 24 giờ sau khi sinh hoặc lâu hơn nữa thì nguy cơ cao gấp 2 lần.

Tại Việt Nam, tỉ lệ cho trẻ bú sớm ở Việt Nam giảm đáng kể từ 44% năm 2005 xuống còn 27% năm 2013. Các nguyên nhân chính bao gồm: Các nhân viên y tế chưa có đủ kiến thức, sự quyết tâm và chưa sẵn sàng hỗ trợ các bà mẹ cho con bú ngay giờ đầu tiên sau khi sinh.

Bên cạnh đó, xu hướng đẻ mổ tăng nhanh, từ 10% năm 2002 lên tới 28% năm 2013. Một nửa các ca mổ đẻ đều được thực hiện trước khi có dấu hiện chuyển dạ, có nghĩa là những ca đẻ mổ này không liên quan đến những lý do y tế.

Nguyên nhân khác do văn hóa/niềm tin vào quan niệm ngày và giờ tốt sẽ mang lại tương lai tốt đẹp cho em bé sau này.

Để giải quyết thách thức của vấn đề quan trọng này, Việt Nam đã thực hiện các hành động tích cực và kịp thời như: Ban hành và thực thi Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay trong và sau đẻ thường năm 2014 và Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay trong và sau đẻ mổ (với hỗ trợ của UNICEF và WHO) năm 2016. Hướng dẫn nhấn mạnh tiếp xúc da kề da ngay sau sinh và hỗ trợ cho trẻ bú sớm trong vòng giờ đầu sau sinh. Nhân viên y tế đã được tập huấn và các hoạt động giám sát đã được thực hiện ở tất cả các tỉnh thành nhằm đảm bảo thực thi hướng dẫn quốc gia một cách hiệu quả.

Sửa đổi và thực hiện Tiêu chí Chất lượng Bệnh viện (với hỗ trợ của UNICEF và WHO) năm 2016. Hướng dẫn bao gồm một tập hợp cụ thể các điều kiện và thực hành chuẩn của cán bộ y tế trong lĩnh vực chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, trong đó thúc đẩy cho con bú sớm ngay sau sinh và đảm bảo tiếp xúc da kề da trong tất cả các bệnh viện chuyên khoa và khoa sản nhi.

Tiêu chí đánh giá bệnh viện bao gồm 10 bước tiêu chuẩn trong Sáng kiến Bệnh viện Bạn hữu Trẻ em nhằm khuyến khích, bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong hệ thống y tế. 10 bước này, đặc biệt là từ bước 4 đến bước 7, đặc biệt nhấn mạnh đến cải thiện cho con bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh. Đây được coi như cách tiếp cận sáng tạo được áp dụng rộng rãi trong hệ thống y tế với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Bộ Y tế.


D.Hải
Ý kiến của bạn