Cuộc khảo sát toàn cầu mới nhất của WHO về thực hiện các chương trình phòng, chống và kiểm soát nhiễm trùng quốc gia nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng về mức độ sẵn có của vệ sinh tay và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nhiễm trùng khác giữa các nước có thu nhập cao và thấp.
Vệ sinh tay tốt cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào mắc phải trong quá trình chăm sóc sức khỏe, sự lây lan của kháng thuốc và các mối đe dọa sức khỏe mới nổi khác.
Nhiễm trùng mắc phải trong quá trình chăm sóc sức khỏe là một vấn đề sức khỏe lớn toàn cầu, nhưng bệnh nhân ở các nước thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp đôi so với bệnh nhân ở các nước có thu nhập cao (tương ứng là 15% và 7% bệnh nhân); nguy cơ trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, cao hơn từ 2 đến 20 lần. Một lý do cho điều này là ở một số quốc gia có thu nhập thấp, chỉ có 1/10 nhân viên y tế thực hiện vệ sinh tay đúng cách khi chăm sóc bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe trong ICU. Nguyên nhân thường là do không có đủ phương tiện để thực hành.
Những thách thức chính
Thiếu nguồn lực tài chính và cơ sở hạ tầng xuống cấp là những thách thức chính. Báo cáo tiến bộ toàn cầu của WHO năm 2020 về Chương trình Nước sạch và Vệ sinh (WASH) trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho thấy, trên toàn cầu, cứ 4 cơ sở chăm sóc sức khỏe thì có 1 cơ sở không có dịch vụ nước cơ bản và 1/3 thiếu nguồn cung cấp phương tiện vệ sinh tay tại điểm chăm sóc.
Hơn nữa, theo khảo sát của WHO trên 88 quốc gia, mức độ tiến bộ của các chương trình vệ sinh tay và phòng chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là về việc triển khai thực tế, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp hơn đáng kể. Năm 2018, chỉ 45% các nước thu nhập thấp có chương trình phòng chống nhiễm khuẩn (Infection prevention and control- IPC) quốc gia, so với 53-71% các nước thu nhập trung bình và cao và ngân sách dành riêng để hỗ trợ chương trình này chỉ có ở 5% các nước thu nhập thấp so với 18 và 50% các nước có thu nhập trung bình và cao.
Trong khi các hướng dẫn quốc gia về thực hành IPC tồn tại ở 50% các nước thu nhập thấp và 69-77% các nước thu nhập trung bình và cao, chỉ 20% và 29-57% có kế hoạch và chiến lược thực hiện ở các nước có thu nhập thấp, trung bình và cao tương ứng.
Giảm một nửa số ca nhiễm trùng bằng cách thực hành chống nhiễm khuẩn hiệu quả
Nhiễm trùng mắc phải trong chăm sóc sức khỏe ảnh hưởng đến hàng triệu bệnh nhân và nhân viên y tế trên toàn thế giới mỗi năm. Chỉ tính riêng ở châu Âu, mỗi năm có gần 9 triệu trường hợp được ghi nhận.
Có thể tránh được một nửa số ca nhiễm trùng này bằng cách thực hiện các chương trình và thực hành IPC hiệu quả, bao gồm cả các chiến lược cải thiện vệ sinh tay. Các chiến lược như vậy cũng có thể ngăn ngừa 3 trong số 4 trường hợp tử vong liên quan đến AMR (kháng thuốc) xảy ra tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Đầu tư vào các chiến lược IPC hiệu quả cũng có thể mang lại lợi nhuận tài chính đáng kể. Việc thực hiện các chính sách vệ sinh tay có thể tạo ra khoản tiết kiệm kinh tế trung bình gấp 16 lần chi phí thực hiện các chính sách đó.
Tuy nhiên, các quốc gia và cơ sở y tế trên khắp thế giới không có cơ hội bình đẳng để áp dụng các hệ thống thích hợp và thực hành đúng để tránh mắc các bệnh nhiễm trùng này.
Ý nghĩa của chiến dịch này không ngoài mục đích tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu trong thời gian qua, cũng như để tưởng niệm những thầy thuốc đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội đối với nhân viên y tế cả về điều kiện làm việc và chăm lo sức khoẻ cho nhân viên y tế trên toàn thế giới.
Để bảo vệ những người lao động quan trọng này, bằng chứng đã chỉ ra rằng thực hành vệ sinh tay thích hợp làm giảm nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc. Việc tuân thủ thực hành vệ sinh tay của nhân viên y tế là một trong những chỉ số hoạt động quan trọng đối với IPC, sự an toàn của bệnh nhân và chất lượng dịch vụ y tế trên toàn thế giới.