Hà Nội

WHO hạn chế quyền di chuyển đối với người nhiễm Ebola

19-08-2014 18:42 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một phụ nữ bay từ Nigeria tới Ấn Độ đã chết trong khu vực quá cảnh của sân bay Abu Dhabi.

Một phụ nữ bay từ Nigeria tới Ấn Độ đã chết trong khu vực quá cảnh của sân bay Abu Dhabi. Người này được chẩn đoán có các triệu chứng giống bệnh Ebola. Ngay sau sự việc trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố hạn chế quyền di chuyển đối với người bị nhiễm virut Ebola.

Hãng hàng không quốc gia Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất cho biết, họ đã khử khuẩn chiếc máy bay chở người phụ nữ Nigeria nói trên. Theo báo cáo mới nhất, người phụ nữ 35 tuổi tử vong khi trên đường từ Nigeria đến Ấn Độ để điều trị căn bệnh ung thư đã di căn. Khi máy bay quá cảnh ở sân bay quốc tế Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, sức khỏe người phụ nữ trở nên xấu đi. Trong quá trình cấp cứu giúp bệnh nhân hồi tỉnh, nhân viên y tế phát hiện nhiều triệu chứng cho thấy khả năng người phụ nữ đã nhiễm virut Ebola. Tuy nhiên, Sở Y tế Abu Dhabi cũng nêu khả năng căn bệnh ung thư đã gây ra cái chết của nữ hành khách này. Đội ngũ nhân viên y tế điều trị người phụ nữ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa an toàn Ebola theo hướng dẫn của WHO. Chồng người phụ nữ - người duy nhất ngồi cạnh trên máy bay cùng 5 nhân viên cấp cứu đang được cách ly chờ kết quả xét nghiệm Ebola trên thi thể nữ hành khách. Hiện sức khỏe cả 6 người đều ổn định, không có triệu chứng nhiễm bệnh.

Nhân viên y tế xử lý bệnh phẩm của bệnh nhân Ebola.

Nhân viên y tế xử lý bệnh phẩm của bệnh nhân Ebola.

Trước nguy cơ của dịch bệnh Ebola, các sân bay quốc tế khẩn trương bố trí máy kiểm tra thân nhiệt và các đội y tế, đặc biệt chú ý đến những chuyến bay từ châu Phi và công dân các nước châu Phi. WHO đã công bố hạn chế quyền di chuyển đối với người bị nhiễm virut Ebola. Nhóm này bao gồm những người có triệu chứng nghi ngờ: họ có thể bị đưa ra khỏi máy bay, phải nhập viện và tiếp tục kiểm dịch cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Theo WHO, nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường hàng không là rất thấp, bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ cải thiện. Theo WHO, tính đến ngày 13/8, dịch bệnh này đã cướp đi sinh mạng của gần 1.200 người chỉ trong vòng 5 tháng, trong đó 170 nhân viên y tế nhiễm bệnh, 81 người đã tử vong. Số lượng các trường hợp lây nhiễm được báo cáo là cao gấp đôi. Cơ hội để sống sót chỉ là 1:10. Chưa có phương pháp điều trị bệnh này, do đó cách ly là phương pháp duy nhất để ngăn chặn đại dịch Ebola.

Ngày 18/8, một phát ngôn viên của Chính phủ Cameroon cho biết, nước này đã đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không với Nigeria nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virut Ebola. Bộ trưởng Thông tin liên lạc Cameroon Issa Tchiroma Bakary khẳng định: “Toàn bộ biên giới (đất liền, biển và trên không) giữa Cameroon và Nigeria đã bị đóng. Quan điểm của chúng tôi là phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hiện chưa có ca nhiễm Ebola nào được ghi nhận tại Cameroon, nước chia sẻ đường biên giới dài 2.000km với Nigeria, quốc gia đã có 4 người thiệt mạng vì virut Ebola trong số khoảng 10 ca nhiễm bệnh. Liberia đã đặt lính canh gác xung quanh các cơ sở có bệnh nhân Ebola. Chính quyền đã phải đi đến quyết định này vì tình trạng cướp bóc ở địa phương. Trước đó, một nhóm người đã tấn công trạm y tế tại Thủ đô Liberia. Họ phá cửa, thả 20 bệnh nhân đang cách ly và cướp phá cơ sở y tế, lấy các tấm nệm và giường ngủ mang đi nơi khác. Kết quả là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong vùng đã tăng lên nhiều lần.

Vấn đề càng trở nên cấp bách bởi thực tế có nhiều người tại Guinea, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và các nước Tây Phi khác trong khu vực bị ảnh hưởng của dịch Ebola từ chối thực hiện các yêu cầu của bác sĩ: họ không chịu nhập viện mà nằm chết trong nhà, gây nguy hiểm cho người khác. Có những người không tin căn bệnh rất nguy hiểm này do virut gây ra và bị lây lan do tiếp xúc với người bệnh, họ cho rằng bệnh do thần linh nổi giận hoặc do hậu quả của nền văn minh phương Tây. Điều này làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lại bệnh lây lan. Những tiền lệ như vậy không có gì là mới mẻ. Ví dụ, ở Haiti có lần bùng phát dịch tả, ở địa phương cũng cho rằng người da trắng làm bệnh lây nhiễm sang họ. Họ tấn công các nhân viên và các bác sĩ của WHO. Haiti cũng có môi trường văn hóa tương tự như ở Liberia. Người dân ở đây đa phần không biết chữ. Vấn đề duy nhất đặt ra là dập tắt dịch bằng cái giá như thế nào. Nếu như phải cách ly hoàn toàn cả một đất nước thì sẽ vô cùng tốn kém.

(Theo WHO, PTI)

Quỳnh Vũ

 


Ý kiến của bạn