WHO ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam thực hiện bao phủ y tế toàn dân

12-03-2014 09:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chuyến thăm của TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương đến Việt Nam nhằm ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện bao phủ y tế, và là dịp để WHO tăng cường các hỗ trợ cho Việt Nam trong tiến trình đảm bảo chăm sức khỏe cho mọi người dân.

Chuyến thăm của TS. Shin Young-soo, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tây Thái Bình Dương đến Việt Nam từ ngày 7-11/3/2014 nhằm ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện bao phủ y tế toàn dân, và là dịp để WHO tăng cường các hỗ trợ cho Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam trong tiến trình đảm bảo chăm sức khỏe cho người dân.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam GS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp GS. TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Anh

Bộ trưởng Y tế Việt Nam GS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp GS. TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Anh

Mục đích của chuyến thăm nhằm chứng kiến những tiến bộ của Việt Nam trong lĩnh vực bao phủ y tế toàn dân (như nỗ lực trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở, kiểm soát dịch bệnh và ngăn ngừa các bệnh không lây, lộ trình thực hiện BHYT toàn dân,...), cung cấp tư vấn về mặt chính sách cho Việt Nam thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, cũng như lắng nghe những đề nghị của Việt Nam để WHO có thể hỗ trợ được cho Việt Nam một cách tốt nhất.

Trong cương lĩnh hành động khi được bầu làm Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, TS. Shin Young-soo xác định công tác trọng tâm là phải hỗ trợ các quốc gia, đặc biệt trong việc củng cố hệ thống y tế hướng đến bao phủ y tế toàn dân.

Mục đích của bao phủ y tế toàn dân nhằm đảm bảo cho mọi người đều nhận được các dịch vụ y tế họ cần mà không phải chịu gánh nặng về tài chính. Tại Việt Nam, bao phủ y tế toàn dân còn có ý nghĩa tạo nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết, được coi như một cơ chế để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế, đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế, cũng như góp phần giải quyết sự không đồng đều trong chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và những người sống ở vùng sâu, vùng xa và những vùng khó khăn. Bao phủ y tế toàn dân dựa trên nền tảng chăm sóc sức khỏe ban đầu và mạng lưới y tế cơ sở có chất lượng.

Năm 2011, dưới sự điều hành của TS. Shin, WHO đã mời các chuyên gia giỏi của quốc tế và khu vực về bao phủ y tế toàn dân và BHYT đến tư vấn cho Việt Nam trong lĩnh vực này tại Diễn đàn cấp cao được tổ chức tại Tam Đảo vào tháng 3/2011 và một loạt các cuộc làm việc của các chuyên gia tư vấn đến Việt Nam sau đó. WHO cũng thu xếp để Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các chuyên gia Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về bao phủ y tế toàn dân và phát triển bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, WHO cũng hỗ trợ Quốc hội Việt Nam và Bộ Y tế trong việc xây dựng, sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế Quốc gia – một hành lang pháp lý chủ chốt nhằm đạt đến bao phủ y tế toàn dân.

Trong khuôn khổ chuyến thăm này, từ 7-9/3, TS. Shin Young-soo đã tới thăm hệ thống y tế tuyến cơ sở của Việt Nam gồm BHXH TP. HCM. Tại Lâm Đồng, ông đã tới thăm Sở Y tế, BHXH Lâm Đồng, BVĐK Lâm Đồng, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng và xã Phú hội, Trạm Y tế xã K’ nớ và thắp hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của Ngành Y tế Lâm Đồng.

Ngày 10/3, ông đã có buổi nói chuyện với các đại biểu QH, Bộ Y tế và BHXH về bao phủ y tế toàn dân tại tp HCM. Buổi thuyết trình này có sự góp mặt của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH và GS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chiều 11/3,  GS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế đã tiếp TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. Tại buổi tiếp, TS. Shin Young-soo bày tỏ ủng hộ đối với việc Việt Nam trở thành nước chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN vào tháng 9 năm nay. WHO Tây Thái Bình Dương sẵn sàng hỗ trợ nước chủ nhà trong công tác chuẩn bị cũng như lên chương trình nghị sự. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ hy vọng TS. Shin Young-soo sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, đặc biệt huy động sự ủng hộ của Chính phủ và Quốc hội trong việc bao cấp thẻ bảo hiểm cho đối tượng người lao động như nông dân, người nghèo nhằm đảm bảo công bằng trong hệ thống y tế, đặc biệt áp dụng BHYT bắt buộc để có thể bao phủ rộng khắp. Bộ trưởng nhấn mạnh, BHYT toàn dân không chỉ là một chương trình xã hội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

TS. Shin Young-soo bày tỏ WHO đã thể hiện cam kết rất mạnh mẽ trong lộ trình BHYT toàn dân. Với kinh nghiệm toàn cầu, chương trình này cũng hướng tới mức chi trả thấp nhất từ người dân, và cần sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong lộ trình này cũng như có sự bao cấp đối với đối tượng nghèo. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, tài chính y tế, quản lý cũng như chi trả BHYT hợp lý, nâng cao nhận thức người dân cũng như BHXH thành công là rất quan trọng.

Đề cập đến vấn đề vắc xin, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương nhận định, tại Trung Quốc, các ca tử vong ở trẻ sơ sinh không rõ nguyên nhân và điều tra cũng không tìm ra nguyên nhân thực sự. Ở Việt Nam rất có thể cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đây cũng là một kinh nghiệm và một bài học. Điều quan trọng là cần phải thúc đẩy niềm tin của người dân.

TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Anh.

TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Tuấn Anh.

Cũng trong chiều 11/3, tại Văn phòng Chính phủ, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương TS. Shin Young-soo tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cùng tham dự cuộc tiếp kiến có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với WHO trên nhiều lĩnh vực chuyên môn của y tế, tăng cường vận động sự hỗ trợ của Tổ chức này để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hệ thống y tế Việt Nam từng bước hiện đại và hoàn chỉnh, hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống, đạt và vượt các chi tiêu đặt ra trong Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2010 – 2020.

Cụ thể trong thời gian tới, phía Việt Nam đề xuất WHO tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trên các lĩnh vực: Bao phủ y tế toàn dân và thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; Nâng cao năng lực đào tạo cán bộ về quản lý, điều hành và xây dựng các chính sách y tế; Hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế; Hỗ trợ kỹ thuật phòng chống các bệnh truyền nhiễm, mới nổi và tái bùng phát; Phòng chống các bệnh không lây nhiễm; Tăng cường hỗ trợ khẩn cấp, khắc phục hậu quả về y tế do thiên tai, thảm họa gây ra; Tăng cường hệ thống y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Các chương trình hỗ trợ của WHO cho Việt Nam được thực hiện theo các tài khoá 2 năm, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ kỹ thuật, với nguồn kinh phí thường xuyên trung bình cho mỗi tài khóa từ 4 - 6 triệu USD, tập trung trên hầu khắp các lĩnh vực y tế như: phòng chống dịch bệnh, phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng, phát triển hệ thống y tế, đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn xây dựng chính sách y tế, đổi mới tài chính y tế, điều phối viện trợ, bảo hiểm y tế, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, lao, sốt rét, HIV...

Ngoài kinh phí hỗ trợ thực tế, trong mỗi tài khóa, WHO cũng luôn phối hợp với phía Việt Nam để tìm kiếm và vận động thêm các nguồn kinh phí từ các đối tác phát triển trên thế giới nhằm hỗ trợ thêm cho các chương trình hoạt động tại Việt Nam, trung bình mỗi tài khóa vận động được thêm từ 10-20 triệu USD.

Bích Vân


Ý kiến của bạn